Hội Khoa Học Lịch Sử tỉnh Bình Định: Bước phát triển mới về tổ chức và hoạt động
Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Định được thành lập cuối năm 2003, hiện có 10 chi hội với trên 190 hội viên. Những chi hội có số hội viên đông và hoạt động mạnh là: Trường Chính trị tỉnh, ĐH Quy Nhơn, Trường CĐ Bình Định, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Hội Khoa học lịch sử tỉnh đã có bước phát triển mới về tổ chức và hoạt động. Hội tập trung kiện toàn, củng cố các chi hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của hội viên. Hoạt động của Hội ngày càng thiết thực, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. Thông qua các buổi tập huấn, hội nghị, hội thảo chuyên đề, thực hiện các đề tài, đề án, tọa đàm, trao đổi thông tin, tư vấn, thẩm định, phản biện các công trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa, phổ biến kiến thức lịch sử..., giúp hội viên bổ sung, tích lũy thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm bổ ích. Đáng quan tâm, trong tỉnh ngày càng có nhiều cán bộ chuyên ngành lịch sử trẻ, năng động, là nguồn bổ sung cho Hội Khoa học lịch sử tỉnh, bên cạnh những cán bộ nghỉ hưu có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, tư vấn, phản biện lịch sử.
Nhiều hội viên đã có những sáng kiến, sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học lịch sử, truyền thống lịch sử của ngành, địa phương, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá lịch sử. Trong số các hoạt động của Hội nhiệm kỳ 2015 - 2020, có thể kể đến những điểm nhấn như: Tham gia nghiên cứu, chỉnh lý, biên soạn, bổ sung và tái bản hơn 100 đầu sách lịch sử, văn hóa, truyền thống của địa phương, ngành trên địa bàn tỉnh; đáng chú ý là biên soạn, phát hành tập sách “Bình Định - những chặng đường lịch sử”, được các trường phổ thông sử dụng làm tài liệu giảng dạy lịch sử truyền thống địa phương. Tham gia trưng bày hiện vật chủ đề “Bác Hồ với Bình Định, Bình Định với Bác Hồ”, Hội thảo khoa học “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định”, Hội thảo về nguồn gốc chữ quốc ngữ; tham gia biên soạn “Ngân hàng tên đường phố”, xây dựng Nhà lưu niệm chi bộ Vạn Đức (huyện Hoài Ân), Nhà lưu niệm chi bộ Đềpô Diêu Trì (huyện Tuy Phước). Tham mưu, làm thủ tục pháp lý trình UBND tỉnh và các bộ ngành Trung ương công nhận mới 33 di tích văn hóa, di tích lịch sử, nâng tổng số di tích lịch sử văn hóa, lịch sử toàn tỉnh lên 114 di tích.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hội Khoa học lịch sử tỉnh sẽ tiếp tục củng cố và mở rộng tổ chức và hoạt động của hội từ tỉnh đến cơ sở, phát huy vai trò, chức năng của hội viên và những người yêu thích lịch sử. Tích cực góp phần biên soạn, tuyên truyền và giáo dục lịch sử truyền thống địa phương, ngành theo Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương đảng. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức một số hội thảo khoa học về các di tích, sự kiện lịch sử trên địa bàn tỉnh nhân các ngày lễ và kỷ niệm. Tiếp tục tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các đề tài nghiên cứu, các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh...
Ngọc Anh