Thực phẩm hàng rong gần trường học:
Khó kiểm chất lượng
Hiện nay tại hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh, từ trường mầm non đến các trường đại học, cao đẳng đều tồn tại nhiều hàng quán bán rong với hình thức “ba không”: không nhãn mác, không xuất xứ, không thời hạn sử dụng.
Trong vai một phụ huynh đưa đón học sinh, chúng tôi dạo quanh các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Quy Nhơn. Tại một điểm bán hàng rong cách cổng trường Tiểu học Ngô Mây (TP Quy Nhơn) chừng 200m, các loại bánh mì tròn, nhân dừa và bánh mì dài, nhân có màu xanh, bánh tráng trộn, mực tẩm, xoài ngâm… được bày bán rất nhiều. Bánh chỉ được đựng sơ sài trong túi ni-lông trắng, miệng túi không được bịt kín, giá chỉ 3 ngàn đồng/bánh, các thực phẩm trộn khác dù được đựng trong các chiếc thau trắng nhưng không hề có màn che, khiến ruồi và bụi bẩn vây kín. Gần tới giờ tan trường, khi học sinh ùa ra thì các hàng quán này lại đua nhau bán hết công suất. Nhiều em học sinh vô ý, thò tay bốc thức ăn lựa đưa lên miệng nếm thử, không vừa ý bỏ lại cho “bà chủ” …
Tại một xe bán nước giải khát di động ngay sát trường THCS Lương Thế Vinh, giờ ra chơi, các em học sinh đứng phía trong trường và đưa tiền cho người bán nước. Hàng loạt ly nước màu xanh, đỏ, đen đựng trong một cái xô đá lớn được múc trao tay liên tục cho các em. Khi chúng tôi thắc mắc về nguồn gốc của các loại nước này, người bán cho biết: “Nước này do nhà mua về pha chế từ các loại nước ngọt, giá khá rẻ. Em uống thử một ly, có vấn đề gì thì cứ đem tới chị chịu trách nhiệm cho (!?)”.
Bên cạnh đó, các món như bánh thèo lèo, bắp tẩm gia vị, chuối khô, bắp rang, bắp bung... với đặc trưng giòn, cay cay, mằn mặn, giá lại rẻ nên được đông đảo học sinh ưa chuộng. Vào mỗi giờ tan trường hoặc trước giờ vào lớp, rất đông học sinh tụ tập mua các mặt hàng này. “Em thấy mọi người ăn thì em cũng mua ăn thôi, chứ cũng không nghĩ tới nguồn gốc gì cả”, Đức Nhân - học sinh trường Tiểu học Lê Lợi cho hay.
Theo đa số các chủ hàng rong gần trường học, ưu điểm của các thức ăn “ba không” này là giá thành rẻ, mang lại lợi nhuận cao, phù hợp với túi tiền của học sinh. Tuy nhiên, khi được hỏi về độ tin cậy và chất lượng của những loại thực phẩm này thì hầu hết họ đều lúng túng. Theo bà Nguyễn Thị S., một người bán hàng rong, các loại bánh mì ngọt nếu bán không hết thì đem đi trả, nhưng việc đơn vị sản xuất có tiếp tục bỏ những bánh mì đã được đem trả đó qua ngày hôm sau hay không thì không ai biết.
Không chỉ có thức ăn “ba không” mà ngay cả những sản phẩm có nhãn mác đầy đủ vẫn khiến nhiều phụ huynh, học sinh lo ngại. Tuy vậy, các sản phẩm như kẹo hồ lô, gậy như ý… dù có nhãn Việt nhưng nhiều loại bánh, kẹo mới cầm lên đã ngửi thấy mùi nồng của hóa chất, được bán với giá rất rẻ. Anh Bùi Đỗ Minh Trí, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Ngô Mây cho biết, thông qua các buổi chào cờ và họp phụ huynh học sinh, nhà trường thường xuyên tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh hạn chế việc mua, ăn quà vặt trước cổng trường, tuy nhiên tâm lý của các em học sinh đa số thích những loại thức ăn này nên rất khó để ngăn chặn.
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, thì hầu hết các loại thực phẩm bán tại hàng quán gần trường học trên địa bàn tỉnh không có nhãn mác, một số loại thức ăn không được đóng gói cẩn thận nên dễ bị nhiễm khuẩn khi để lẫn với các thực phẩm khác.
Một điều cần biết, là với những thức ăn, thức uống lạm dụng chất phụ gia quá nhiều để tạo màu sắc sặc sỡ như bim bim, bò khô, nước ngọt… nếu tích tụ trong cơ thể lâu ngày sẽ gây nên các bệnh mạn tính cho gan, thận. Còn đối với các loại bánh mì ngọt ăn liền, tuyệt đối không được sử dụng khi đã qua một ngày sản xuất. Mong các phụ huynh nhắc nhở, đừng để các em học sinh dùng những thực phẩm đường phố không rõ nguồn gốc.
MINH NGUYỄN