Điều tra, làm rõ vụ phá rừng Thượng Sơn
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT ngày 22.7, lãnh đạo Sở cùng đại diện các đơn vị liên quan (Thanh tra Sở, Chi cục Kiểm lâm, Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp nông thôn, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn) và UBND xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) đã đi kiểm tra thực tế tại hiện trường vụ phá rừng Thượng Sơn (xã Tây Thuận) mà Báo Bình Định đã phản ảnh.
Cán bộ kiểm lâm đo thân cây bị chặt phá tại khu vực rừng thuộc tiểu khu 235.
Kết quả kiểm tra cho thấy, cánh rừng bị tàn phá tại khoảnh 2, 3 thuộc tiểu khu 235, xã Tây Thuận, được quy hoạch chức năng rừng sản xuất, có trạng thái là rừng tự nhiên thường xanh nghèo. Tổng diện tích rừng bị chặt hạ, đốt là 1.174 m2, tập trung tại 3 vị trí khác nhau.
Tại hiện trường, qua ghi nhận, đo đạc, có 18 gốc cây bị chặt hạ, trong đó có 1 gốc cây Cà Te tái sinh, 2 thân, đường kính 20 cm, thuộc nhóm IIA; còn lại là 2 cây Kơ-nia (cầy) nhóm VI; 1 cây Giẻ thuộc nhóm V; 1 cây gỗ Ké; 10 cây gỗ tạp cứng và cây leo, dây bụi. Tại các vị trí kiểm tra, có 3 gốc mới cắt và 15 gốc vết cắt đã cũ. Tất cả các gốc cây gỗ được kiểm tra đều có đường kính thân dao động từ 10 - 45 cm.
Hai cây gỗ Cà Te bị phá, cưa gần sát gốc.
Đồng thời, tại hiện trường, lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng còn tiến hành tiêu hủy 2 lò đốt than, thu giữ trên 300 kg than thành phẩm và 1 xe mô tô hai bánh (vô chủ).
Qua xác minh, chịu trách nhiệm quản lý khu vực rừng này là UBND xã Tây Thuận và các hộ gia đình được giao rừng theo Dự án KfW6 để khoanh nuôi tái sinh.
Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc thông tin về hướng xử lý vụ việc: “Sở NN&PTNT đã giao Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Sở sẽ chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp cùng chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan và các chủ rừng được giao rừng theo Dự án KfW6 tăng cường kiểm tra rừng để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp”.
D. ĐĂNG