Vững vàng vai trò đầu tàu
Ðể TP Quy Nhơn giữ vững vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh, Ðảng bộ thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhận thức và quyết tâm chính trị của đội ngũ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển chung của tỉnh.
TP Quy Nhơn sẽ tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, chỉnh trang, phát triển theo hướng đô thị văn minh, hiện đại. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Quy Nhơn đã phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết, tận dụng thời cơ, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ thành phố đạt nhiều kết quả quan trọng. “Những kết quả đó tạo tiền đề để thành phố phát triển nhanh và bền vững; luôn giữ vai trò hạt nhân, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh”, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam khẳng định.
Thành phố hiện đại, thân thiện
Trong giai đoạn 2015 - 2020, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng và phát triển; tổng giá trị sản xuất bình quân tăng 12,4%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Công nghiệp - xây dựng 52,8%, dịch vụ 44,4% và nông - lâm - thủy sản 2,8%.
Đáng chú ý, công tác quy hoạch, xây dựng đã góp phần quan trọng tạo nên diện mạo mới của thành phố biển. Các công trình trọng điểm về giao thông, kè biển, điện, nước sinh hoạt, viễn thông, hạ tầng đô thị, trường học, cơ sở y tế, văn hóa, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp… tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, mở rộng. Khu đô thị trung tâm (12 phường nội thành) được nâng cấp chỉnh trang. Nhiều khu đô thị mới đã và đang hình thành như: An Phú Thịnh, Đại Phú Gia, Long Vân - Long Mỹ... Nhiều khu dân cư, chung cư cao tầng, nhà ở xã hội... đi vào hoạt động từng bước giải quyết nhu cầu về nhà ở cho nhân dân.
Trong 5 năm qua, ngành du lịch của TP Quy Nhơn tiếp tục phát triển mạnh.
- Trong ảnh: Du khách tham quan tháp Đôi. Ảnh: HOÀI THU
Bên cạnh đó, nhiều công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng như: Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Quảng trường Chiến Thắng, Quảng trường Quy Nhơn, mở rộng tuyến đường Xuân Diệu kết hợp xây dựng công viên biển Xuân Diệu, QL 19 mới, ĐT 638 đoạn đi qua thành phố (đường phía Tây tỉnh), đường Hoàng Văn Thụ nối dài, hồ chứa nước ngọt Nhơn Châu...
Công tác chỉnh trang đô thị cũng để lại nhiều dấu ấn, như: Giải tỏa nút giao thông Đống Đa - Hoa Lư và các tuyến đường: Trần Văn Ơn, Cần Vương, Nguyễn Nhạc, Thanh Niên, Chế Lan Viên, Ngô Gia Tự nối dài...; lát vỉa hè 74.488 m2 và bó vỉa 26.016 m bằng đá granite với kinh phí gần 100 tỷ đồng; hoàn thành Đề án nâng cấp bê tông hóa các tuyến đường với 303 tuyến hẻm, tổng diện tích 138.400 m2...
Đặc biệt, thành phố đã phát triển mới 13,09 ha công viên, nâng tổng diện tích công viên, khu vực công cộng hiện quản lý là 91,5 ha; lắp đặt các thiết bị tập thể dục, trò chơi trẻ em tại các công viên, hoa viên, dải cây xanh đường Nguyễn Tất Thành và một số khu vực công cộng. Cùng với đó là trồng mới 23.550 cây xanh các loại. “Giữ không gian công cộng cho người dân” là chủ trương đúng đắn, khiến thành phố ngày càng hiền hòa, thân thiện hơn trong mắt người dân và du khách.
Phát triển “mũi nhọn” du lịch
Trong 5 năm qua, ngành du lịch của TP Quy Nhơn tiếp tục phát triển mạnh; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được tập trung đầu tư, từng bước hoàn thiện. Các dịch vụ du lịch được tổ chức bài bản như Chợ đêm, Phố Ẩm thực, Phố Văn hóa - Nghệ thuật... Trên địa bàn đã có nhiều dự án lớn phục vụ du lịch đã hoàn thành và đi vào hoạt động, như: Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Nhơn Lý; các khu du lịch Kỳ Co, Cửa Biển; các khu nghỉ dưỡng, biệt thự Aurora, Casa Marina, Avani, Anantara Quy Nhơn…
“Một điểm đến hấp dẫn du khách phải biết luôn làm mới mình với những dịch vụ, trò chơi, môn thể thao mới mẻ. Chúng tôi còn dự định xây dựng các không gian phù hợp để tái hiện các môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Bình Định phục vụ cho du khách ở lại đêm”, Giám đốc Khu du lịch Cửa Biển Nguyễn Văn Cảnh cho hay.
Bên cạnh đó, số lượng cơ sở lưu trú phát triển ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 288 khách sạn (tăng 242% so với năm 2016), với 6.944 phòng (tăng 214%). Trong đó, khách sạn 3 - 5 sao có 2.622 phòng, khách sạn 2 sao có 897 phòng...
Với sức hấp dẫn của vẻ đẹp thiên nhiên, lịch sử văn hóa cùng hạ tầng phục vụ, khách du lịch đến thành phố và doanh thu du lịch hằng năm đều tăng cao. Cụ thể, khách du lịch đến thành phố ước đạt hơn 16,5 triệu lượt khách, tăng trung bình 14,5%/năm (trong đó khách quốc tế ước đạt 1,3 triệu lượt, tăng trung bình 28,5%/năm; khách nội địa ước đạt 15,2 triệu lượt, tăng trung bình 13%/năm). Doanh thu du lịch ước đạt hơn 13,2 nghìn tỷ đồng, tăng trung bình 52%/năm.
Sau thời gian chững lại vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng khách du lịch đổ về Quy Nhơn thời gian gần đây tăng rất nhanh. Ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc Công ty TNHH Tổng hợp Thịnh An, cho biết: “Từ giữa tháng 6 đến nay, cả 9 xe từ 16 - 47 chỗ của chúng tôi đều hoạt động hết công suất. Rất nhiều xe du lịch từ Nha Trang, Đà Nẵng, Đắk Lắk cũng đổ về Quy Nhơn để phục vụ du khách”.
Có thể thấy, TP Quy Nhơn ngày càng nổi bật trên bản đồ điểm đến du lịch hấp dẫn. Không chỉ phạm vi trong nước, Quy Nhơn còn đạt danh hiệu Thành phố du lịch sạch - ASEAN. Điều này góp phần giúp Quy Nhơn tạo sức thu hút ngày càng lớn đối với du khách, tiếp tục khẳng định dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố trong thời gian đến.
NGUYỄN VĂN TRANG