Khai thác tiềm năng, lợi thế từ kinh tế rừng trồng
Ông Trần Văn Phúc
Nhằm nâng cao năng suất, tăng giá trị rừng trồng, tạo việc làm, ổn định cuộc sống người trồng rừng, ngành Nông nghiệp tỉnh tham mưu UBND tỉnh đề xuất Trung ương cho triển khai Dự án Quản lý rừng bền vững và thúc đẩy chứng chỉ rừng tại tỉnh Bình Ðịnh. Ông Trần Văn Phúc, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Bình Ðịnh về dự án này?
● Thưa ông, ông có thể chia sẻ đôi nét về Dự án Quản lý rừng bền vững và thúc đẩy chứng chỉ rừng tại tỉnh Bình Định?
- Giữa tháng 7.2020, Sở NN& PTNT tham mưu UBND tỉnh trình Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT về Dự án Quản lý rừng bền vững và thúc đẩy chứng chỉ rừng tại Bình Định (viết tắt là Dự án) với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 242,98 tỷ đồng; trong đó vốn vay của Chính phủ Đức 206 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại 20,5 tỷ đồng và vốn đối ứng của tỉnh 16,48 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2021 - 2027. Dự án có 2 hợp phần, gồm: Hợp phần 1 sử dụng vốn vay để cho các cá nhân, tổ chức, DN vay lại. Đây là những cá nhân, tổ chức, DN tham gia chuỗi giá trị quản lý rừng bền vững và thúc đẩy chứng chỉ rừng với mục tiêu thiết lập 10.000 ha rừng trồng gỗ lớn, đảm bảo năng suất rừng trồng chu kỳ 8 - 10 năm đạt năng suất 25 m3/ha/năm; hỗ trợ cấp chứng chỉ FSC cho 20.000 ha rừng trồng gỗ lớn; nâng cấp 2 cơ sở chế biến lâm sản; xây dựng 2 vườn ươm cây giống lâm nghiệp công nghệ cao. Hợp phần 2 tập trung hỗ trợ cơ sở pháp lý cho giao đất lâm nghiệp, giao rừng; xây dựng bản đồ lập địa cấp tỉnh, huyện, xã; chuyển giao công nghệ và giống cây lâm nghiệp mới chất lượng cao cho các vườn ươm trong vùng dự án…
Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh (huyện Vân Canh) kiểm tra, chăm sóc rừng trồng gỗ lớn của đơn vị.
● Từ lâu tỉnh ta đã tính đến việc triển khai trồng rừng gỗ lớn và tiến tới cấp chứng chỉ FSC nhưng gặp rất nhiều trở ngại. Vậy Đề án sẽ tháo gỡ các vướng mắc như thế nào?
- Cả tỉnh hiện có hơn 101 nghìn ha rừng trồng sản xuất. Phần lớn diện tích rừng sản xuất do các hộ gia đình quản lý với quy mô nhỏ lẻ, không tập trung, người dân chưa mặn mà với trồng rừng gỗ lớn, bởi đòi hỏi nhiều chi phí, thời gian chăm sóc; rừng trồng chủ yếu khai thác bán gỗ để chế biến dăm, viên nén gỗ, nên giá trị không cao so với rừng trồng gỗ lớn, đặc biệt là rừng được chứng nhận hợp chuẩn FSC. Nếu Dự án được phê chuẩn, các hợp phần kể trên sẽ tháo gỡ, khai thông được rất nhiều điểm vướng mắc, khó khăn lâu nay.
Trước tiên, các DN chế biến gỗ sẽ được vay vốn ưu đãi để liên kết với các hộ dân trồng rừng trong tỉnh phát triển chuỗi liên kết trồng rừng gỗ lớn, xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. DN còn được vay vốn để đầu tư công nghệ vào sản xuất cây giống lâm nghiệp, chế biến gỗ giúp tăng hiệu quả kinh tế rừng trồng, từ đó thúc đẩy việc trồng rừng gỗ lớn trong tỉnh. Dự án cũng sẽ tập trung nâng cao năng lực về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ FSC, phát triển chính sách lâm nghiệp cho các chủ rừng; nâng cao năng lực về kỹ thuật lâm sinh và công tác giống cây trồng lâm nghiệp cho các chủ rừng, cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp theo chính sách hỗ trợ. Ngay cả những chủ rừng nhỏ lẻ lâu nay thiếu vốn cũng có thể tính đến việc vay vốn để phát triển sản xuất.
● Để Dự án mang tính khả thi cao, tỉnh ta sẽ có những định hướng như thế nào, thưa ông?
- Như đã nói, mục tiêu chính của dự án là phát triển diện tích rừng trồng gỗ lớn và tiến tới xây dựng chứng chỉ FSC. Vì vậy, để Dự án mang tính khả thi cao, tỉnh ta tập trung đẩy nhanh tiến độ đo đạc diện tích, giao quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân để họ yên tâm đầu tư. Hỗ trợ các DN để đầu tư công nghệ trong sản xuất cây giống lâm nghiệp, trồng, chăm sóc và khai thác rừng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về lợi ích trồng rừng gỗ lớn; tăng cường công tác bảo vệ rừng, PCCC rừng, quản lý chất lượng cây giống lâm nghiệp… nhằm thực hiện hiệu quả Đề án trên, cũng như Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2035 do UBND tỉnh phê duyệt năm 2018.
Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh trình Bộ KH&ĐT Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng khu vực miền Trung và miền Bắc Việt Nam với diện tích thực hiện tại tỉnh Bình Định là 25.730 ha, tổng vốn 101,97 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2020 - 2026, gồm các hoạt động như: Cải thiện công tác quản lý rừng đặc dụng; quản lý rừng cộng đồng; khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng bằng cây bản địa… góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, hướng tới phát triển bền vững.
● Xin cảm ơn ông!
ÐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)