Xu hướng kiến trúc xanh
Hiện nay, xu hướng kiến trúc xanh đã và đang được các kiến trúc sư trong tỉnh ứng dụng vào công trình công cộng và cả các công trình nhà ở tư nhân. Ngay cả nhiều nhà đầu tư các dự án bất động sản cũng quan tâm đến yếu tố “xanh”. Ðây được xem là nét tích cực đáng phát huy.
Công viên Vườn Dừa vừa được hoàn thành tại đường Xuân Diệu (đoạn Trần Bình Trọng - Phan Chu Trinh), TP Quy Nhơn.
Theo kiến trúc sư (KTS) Đào Quý Tiêu, Chủ tịch Hội KTS Bình Định, hiện có khá nhiều định nghĩa kiến trúc xanh (KTX) nhưng nói chung, KTX là xu hướng kiến trúc tạo ra không gian sinh hoạt nhiều tiện ích cho con người theo cách ít gây hại tới môi trường nhằm gìn giữ chất lượng sống từ hiện tại tới tương lai. Trong kiến trúc hiện đại, một công trình đạt được tất cả các tiêu chí của KTX là rất khó. Ngoài trình độ của KTS còn cần một nguồn vốn lớn, mà không phải nhà đầu tư nào cũng theo đuổi được.
“Trong việc xây dựng quy hoạch đô thị của tỉnh, Sở Xây dựng với vai trò là cơ quan tham mưu cũng luôn chú trọng đến tăng trưởng xanh, phát triền bền vững như: Ban hành các chính sách khuyến khích việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường như sử dụng gạch không nung; ưu tiên các dự án bảo đảm yếu tố môi trường, đầu tư hệ thống công viên cây xanh trong đô thị… Tất cả nhằm để lại ấn tượng về một thành phố du lịch biển hiền hòa, văn minh, hiện đại mà không trộn lẫn”.
KTS LÊ ĐĂNG TUẤN, Phó Giám đốc Sở Xây dựng
Trao đổi về vấn đề này, KTS Nguyễn Thanh Hải, Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng DHA, chia sẻ: “Thuyết phục các chủ đầu tư theo KTX khó nhưng không phải là không thể. Với khách sạn Hương Việt và GreenPark, tôi phải nhấn mạnh yếu tố du khách ngày càng có nhu cầu được trải nghiệm không gian xanh. Nếu phát triển KTX công trình sẽ có thêm nhiều điểm nhấn. Thực tế, khi đi vào hoạt động, các phòng đều dùng ánh sáng tự nhiên vào ban ngày, kể cả phòng vệ sinh. Các ban công đều có khoảng cây xanh, cầu thang được thông gió tự nhiên…”.
Từ năm 2011 đến nay, Hội KTS Bình Định đã tổ chức nhiều chương trình, hội thảo, cuộc thi liên quan đến KTX. Từ đó, Hội KTS Bình Định tuyên truyền, vận động giới kiến trúc, xây dựng, chủ đầu tư hiểu rõ về khái niệm KTX; các hội viên hướng đến mục tiêu thiết kế và xây dựng những công trình thích ứng tốt với môi trường tự nhiên, tiết kiệm năng lượng tối đa, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Có thể kể đến những công trình tiêu biểu: Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê do Liên doanh Công ty TNHH Đại Thanh và Công ty TNHH Trung tâm Kiến trúc Quy hoạch Bình Định thiết kế; Di tích Cây số 7 Tài Lương do các KTS Bình Định thuộc Trung tâm Quy hoạch xây dựng và Kiểm định Bình Định thiết kế; Quảng trường Quy Nhơn do các KTS Bình Định thuộc Trung tâm Quy hoạch xây dựng và Kiểm định Bình Định thiết kế; Quảng trường Hoài Nhơn do các KTS của Công ty TNHH Kiểu Việt thiết kế; khách sạn Hương Việt, khách sạn GreenPark do KTS Nguyễn Thanh Hải thiết kế; điểm dịch vụ S-Blue thuộc Điểm du lịch dịch vụ Beachfront do Công ty TNHH TMN thiết kế…
Tại buổi làm việc với Sở Xây dựng vào giữa tháng 7.2020, KTS Nguyễn Văn Tất, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, nhận xét: “Trong 5 năm qua, Bình Định mà cụ thể là TP Quy Nhơn đã có sự phát triển nhanh và tạo được nét khác biệt. Thành phố có quỹ đất không lớn nhưng vẫn dành rất nhiều để xây dựng công viên, quảng trường, ngay cả những không gian ở trung tâm thành phố, những khu đất hướng ra biển có giá trị rất cao cũng được bố trí để làm công viên. Chỉ riêng điều này thôi đã cho thấy lãnh đạo Bình Định có tầm nhìn xa như thế nào trong vấn đề quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. Không chỉ có vậy, tỉnh cũng đã giám sát, kiểm soát đạt hiệu quả cao trong việc lập quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị TP Quy Nhơn đúng hướng; có cái nhìn tích cực hơn trong quản lý sử dụng các không gian công cộng”.
Cũng theo KTS Tất, việc đưa KTX vào cuộc sống không chỉ là trách nhiệm của KTS, của nhà đầu tư kinh doanh bất động sản, mà trước tiên và có tính quyết định chính là tư duy của chính quyền đô thị, của các nhà lập quy hoạch và đặc biệt là ý thức của mỗi người dân. Đó là làm sao để các đường phố rợp mát cây xanh, không bị ngập úng mỗi khi có mưa lớn; phương tiện giao thông công cộng hay cá nhân sử dụng nguyên liệu sạch, không xả thải khí độc… Mỗi cư dân có văn hóa ứng xử nơi công cộng, không xả rác thải, nước thải bừa bãi ra đường phố; chăm chút không gian ở sạch sẽ, xanh mát hoa lá trên ban công, trên từng mái nhà. Điều đó sẽ góp phần làm cho đô thị trở nên xanh và thân thiện với thiên nhiên, với con người.
HẢI YẾN