Ghi trong phòng phẫu thuật tim trẻ em miễn phí
Trước 7 giờ sáng ngày 17.7, đội ngũ y tế khoa Gây mê hồi sức tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế đã sẵn sàng đón tiếp các bệnh nhân nhi. Các bác sĩ một lần nữa trao đổi với gia đình về những điều có thể xảy ra trong và sau ca phẫu thuật để trấn an, động viên người nhà bớt lo lắng.
Đại diện Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh thăm và trao quà cho bệnh nhân nhi ở TX Hoài Nhơn tại phòng Hồi sức tim Bệnh viện Trung ương Huế.
Chuyện ở phòng phẫu thuật tim
7 giờ 30 phút, bệnh nhi Lê Hồng S., 3 tuổi, ở TP Quy Nhơn, mắc bệnh thông liên thất được đưa vào Phòng mổ số 1. Cháu bé suy dinh dưỡng, nhỏ thó, gầy gò co rúm người lại khi không còn người thân bên cạnh. TS - bác sĩ Nguyễn Tất Dũng, Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức tim mạch vội bước đến bên cạnh em âu yếm, vỗ về. Vài phút sau, khi S. trở nên thoải mái hơn, bác sĩ Dũng mới cho cháu uống thuốc tiền mê trước khi gây mê thật sự.
Ở phòng mổ cạnh bên, bệnh nhi Đinh Thị Tô T., 7 tháng tuổi, ở huyện Hoài Ân đang được cô kỹ thuật viên ôm chặt vào lòng sau khi rời khỏi vòng tay mẹ ở phòng làm thủ tục. Dỗ dành và đợi chờ cho cháu hết khóc, cô đặt cháu xuống bàn mổ để bác sĩ cho cháu hít mê hơi rồi mới tiến hành gây mê. Ở hai phòng mổ còn lại, bệnh nhi 4 tuổi và 7 tuổi ở TX Hoài Nhơn cũng được trấn an trước khi gây mê. TS - bác sĩ Nguyễn Tất Dũng liên tục di chuyển qua các phòng, xem xét kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ. Ông chia sẻ: “Đa số trẻ em bị tim bẩm sinh đều nhỏ con, suy dinh dưỡng. Vào phòng mổ vừa kín, vừa xa lạ không còn ba mẹ bên cạnh, nhiều cháu tỏ ra hoảng sợ, khóc rất nhiều. Nắm bắt tâm lý đó, bác sĩ và điều dưỡng luôn trấn an các cháu bằng nhiều cách và tiến hành khâu tiền mê trước. Cụ thể với trẻ trên 1 tuổi, chúng tôi cho uống thuốc để các cháu ngủ. Trẻ nhỏ hơn thì cho thở thuốc gây mê bốc hơi”.
Đúng 8 giờ, các bác sĩ phẫu thuật bắt đầu công việc của mình. Cũng cùng bị thông liên thất nhưng bác sĩ thực hiện đường mổ ở giữa ngực, bên sườn với bệnh nhân này và mổ ở đường dưới nách với bệnh nhân kia. Chừng nhận ra thắc mắc của tôi, bác sĩ CKII Trần Hoài Ân (Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế), giải thích: Thông liên thất tức là giữa hai tâm thất của tim có một lỗ thông nhau, đây là điều bất thường, cần phải phẫu thuật để bịt lỗ này lại. Tùy vào vị trí của lỗ mà bác sĩ quyết định mổ ở đâu cho phù hợp, an toàn và thẩm mỹ. Trong các kỹ thuật hiện tại, phẫu thuật bằng đường dưới nách mang tính thẩm mỹ cao, để lại di chứng ít nhất, rất khó để người ngoài nhìn vào biết bệnh nhân từng mổ tim và không nhiều trung tâm trong nước có thể làm được.
Dẫn chúng tôi sang Phòng mổ số 2, bác sĩ Ân giới thiệu bác sĩ Nguyễn Đức Dũng đang thực hiện ca mổ đường nách cho một bệnh nhân ở TX Hoài Nhơn. Bác sĩ Nguyễn Đức Dũng là người trực tiếp nhận kỹ thuật này từ các đồng nghiệp của Mỹ và đã phẫu thuật thành công hàng chục ca cho trẻ em Bình Định. Xong việc, bác sĩ Nguyễn Đức Dũng trò chuyện: “Trái tim ở bên trái, trong khi đường dưới nách được rạch bên phải, vì vậy đòi hỏi kỹ thuật rất khó và không phải ca nào cũng có thể mổ theo kỹ thuật này. Dù vậy, các phẫu thuật viên của Trung tâm luôn cố gắng hết sức có thể vì lợi ích của các cháu”.
Hạnh phúc và hy vọng
Gần ba tiếng đồng hồ sau, các ca mổ đều hoàn thành. 4 bệnh nhân được chuyển ra Phòng Hồi sức tim. Nhìn thấy con, vẻ bồn chồn, lo lắng không yên của những người nhà lập tức biến mất. Người mẹ trẻ Đinh Thị T. xoa má cô con gái nhỏ 7 tháng tuổi của mình, rơm rớm nước mắt: “Vậy là trái tim của con tôi được cứu rồi. Sinh đôi hai cô con gái nhưng chỉ đứa này bị tim nên tôi thương cháu lắm. Vợ chồng tôi mang ơn các bác sĩ rất nhiều”.
Xong 4 ca này, các bác sĩ của Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế lại chuẩn bị quy trình để tiếp nhận 4 bệnh nhân khác của Bình Định. Giám đốc Trung tâm Trần Hoài Ân cho biết, nhờ công tác phối hợp rất tốt giữa Trung tâm và Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Định nên 4 năm gần đây, hai bên đã phối hợp tổ chức 7 đợt khám sàng lọc cho hơn 8.000 trẻ em và người lớn có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Bình Định. Trung tâm sau đó đã vận động các nguồn tài trợ phẫu thuật miễn phí và thành công cho 362 người theo chỉ định của bác sĩ, trong đó có rất nhiều trẻ em.
Vui với những thông tin thật tốt lành, chúng tôi rời khỏi khu vực phẫu thuật, trong lòng thật ấm áp trước nghĩa cử của những người thầy thuốc nơi đây và hòa chung niềm hạnh phúc của người nhà đang tràn trề hy vọng con mình sau này có nhiều sức khỏe, cao lớn phổng phao. Chợt nhớ tới lời tâm tình, trao gởi của TS - bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế tại buổi giao lưu giữa Trung tâm và Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh: “Gia cảnh của đa số bệnh nhân bị tim mạch thường rất ngặt nghèo vì họ rơi vào một cái vòng lẩn quẩn. Con cái bị bệnh thì bố mẹ phải dành thời gian chăm sóc, không làm việc được. Bản thân bị mắc bệnh thì không đủ sức khỏe để lao động. Trong khi đó, họ rất cần có tiền để điều trị cho bản thân hoặc con cái mình. Tiền và bệnh tật cứ vậy mà xoay vòng mãi. Chúng ta ở giữa, chúng ta cố gắng làm sao để giúp họ thoát khỏi vòng xoáy đó. Mong rằng, chương trình khám sàng lọc tim miễn phí cho trẻ em và người khó khăn ở Bình Định mãi bền vững để ngày càng có thêm nhiều bệnh nhân được hưởng lợi”.
NGỌC TÚ