Ấm tình nón ngựa Phú Gia
Với mong muốn quảng bá nón ngựa Phú Gia đến với du khách trong và ngoài nước, vợ chồng anh chị Trần Hữu Viên - Lê Thị Bích Ngọc mở cửa hàng nón ngựa, hợp tác với nghệ nhân làng nghề khôi phục và phát triển sản phẩm làng nghề, mở ra một không gian kết nối du khách - nghệ nhân.
Nghệ nhân Đỗ Văn Lan chỉ tay giới thiệu về nón ngựa cho du khách trong ngày khai trương Cửa hàng nón ngựa Phú Gia (đường Nguyễn Thị Định, TP Quy Nhơn).
Trong không gian của Cửa hàng nón ngựa Phú Gia (ở đường Nguyễn Thị Định, TP Quy Nhơn), du khách có thể chiêm ngưỡng những mẫu nón ngựa từ nguyên bản cho tới những mẫu nón cách tân hợp thời trang. Không chỉ là nón, nơi đây còn có đầy đủ nguyên liệu làm nón, cùng với sự hướng dẫn chu đáo để du khách có thêm những thông tin hấp dẫn về nón ngựa Phú Gia. Cửa hàng cũng là một không gian để du khách - nghệ nhân kết nối, cùng nhau chia sẻ, trải nghiệm về nón ngựa.
Đã có nhiều dự án, kế hoạch phát triển sản phẩm quà tặng du lịch Bình Định với chiếc nón ngựa Phú Gia, nhưng đến nay tất cả đều dừng lại trên những trang giấy. Những gì đã triển khai thì phần nhiều đều dang dở và dù rất lâu vẫn chưa thấy hiệu quả. Chính vì thế khi vợ chồng anh Viên đề xuất hợp tác với các nghệ nhân ở làng nón, họ đã nhận không ít cái lắc đầu từ chối.
Qua nhiều lần thuyết phục, trình bày ý tưởng, lên kế hoạch phát triển, vợ chồng anh Viên với nghệ nhân Đỗ Văn Lan đã tìm được tiếng nói chung. Theo đó nghệ nhân Đỗ Văn Lan sẽ nhận việc sản xuất nón ngựa theo đặt hàng, sẽ tham gia đứng lớp, hướng dẫn tại các workshop nón ngựa để đưa du khách đến với những trải nghiệm thú vị mà chỉ ở Bình Định mới có. Để ra mắt cửa hàng, nghệ nhân Đỗ Văn Lan đã hoàn thành đơn hàng đầu tiên với 50 chiếc nón ngựa.
Điều gì thôi thúc chị kiên trì với nón ngựa Phú Gia đến vậy? Chị Ngọc bật cười: “Ngọc với nón ngựa Phú Gia như có cái duyên vậy đó. Lần đầu làm quen với chồng, ảnh đưa mình về Phù Cát chơi, Ngọc thấy nhà ảnh có treo cái nón thiệt đẹp. Có hỏi chuyện, mẹ chồng Ngọc bảo nón ngựa Phú Gia, đường kim, mũi chỉ sắc sảo, hoa văn họa tiết bắt mắt; bất ngờ hơn là nón đó hơn 30 năm rồi, khi đó tuổi của nón còn nhiều hơn tuổi của Ngọc. Rồi khi mua quà tặng cho người thân quý, Ngọc đều nhờ mẹ đặt nón ngựa. Bạn bè nhận nón ngựa Phú Gia đều có lời ngợi khen, có người bảo nón ngựa Phú Gia - Bình Định đẹp quá chừng, nghe kể về những điểm độc đáo riêng có của nón ngựa Phú Gia ai cũng bất ngờ, thích thú”.
Để trang trí cửa hàng vợ chồng chị Ngọc ngược xuôi về làng nghề, hỏi thăm về nghề nón, tìm về những phiên chợ nón đêm để tự mình lựa lá kèo, lựa dang, chọn chỉ màu… “Nón ngựa Phú Gia không phải quà tặng đại trà, và khi mở cửa hàng kinh doanh, chúng tôi xác định không tính chuyện bán nón ngựa theo tour, theo đoàn. Chúng tôi hướng đến những du khách muốn tìm đến những sản phẩm hàm đựng nhiều giá trị văn hóa Bình Định. Khi tìm đến nón ngựa, họ sẽ được biết đến thật nhiều về xứ sở này. Mình mong với sản phẩm đặc sệt chất Bình Định như nón ngựa Phú Gia, người ta sẽ được kết nối thật sâu với đất và người Bình Định. Cái khó của vợ chồng tôi là muốn làm được như thế, phải có một không gian phù hợp, đủ để tạo cảm xúc cho du khách khi họ tới đây. Có cửa hàng rồi, có nơi trình bày sản phẩm rồi, chúng tôi hợp tác với nghệ nhân để họ có thể trình bày chi tiết về nghề nón…”, chị Ngọc sôi nổi cho hay.
Để tìm lại được những mẫu chóp bạc đúng nguyên bản, chị Ngọc kết nối với những nghệ nhân của một làng nghề ở phía Bắc để đúc chóp bạc. Sắp tới, cửa hàng hợp tác cùng với nghệ nhân Đỗ Văn Lan mở những buổi workshop tại cửa hàng ở Quy Nhơn hầu phục vụ nhu cầu muốn biết về nón ngựa Phú Gia. “Để lên được một tour trải nghiệm và khám phá những điều thú vị của nón ngựa Phú Gia, chúng tôi đã xây dựng những kịch bản từ bây giờ, hoàn thành từng bước mới đưa vào phục vụ du khách”, chị Ngọc cho biết thêm.
THU DỊU
Xin tác giả và BBT cho biết cụ thể số nhà để tìm mua một số sản phẩm..Trân trọng cảm ơn!