NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CHO SẢN PHẨM ÐỊA PHƯƠNG:
Làm mới từ “ruột” đến “vỏ”
Thời gian qua, các cơ sở, DN sản xuất thực phẩm thủ công truyền thống ở tỉnh đang đối mặt với không ít thách thức. Ðể nâng cao năng lực cạnh tranh, nhiều sản phẩm đã nỗ lực đổi mới từ “ruột” - chất lượng sản phẩm đến “vỏ” - hình thức bao bì.
Anh Hồ Thức, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại tổng hợp Bình Hưng Phát, thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước giới thiệu sản phẩm bánh tráng gạo nướng Lava cho khách hàng.
Sau những ngày giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, các DN địa phương buộc phải đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác để khơi thông thị trường tiêu thụ. Trường hợp Công ty TNHH sản xuất thương mại tổng hợp Bình Hưng Phát, thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước - chuyên sản xuất bánh tráng gạo nướng nhãn hiệu Lava là một điển hình.
Anh Hồ Thức, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Công ty chúng tôi ra đời vào tháng 10.2019, khi thị trường trong tỉnh đã có nhiều thương hiệu bánh tráng nổi tiếng. Vì vậy chúng tôi chủ trương tìm lên các tỉnh Tây Nguyên như: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông… và xem đây là thị trường chính. Sau thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh, việc kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên chúng tôi một mặt mở rộng vùng tìm kiếm khách hàng đến các huyện, thị trấn, mặt khác tận dụng các hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ, hội nghị kết nối hàng Việt… để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều DN cũng đã quan tâm đầu tư nhiều hơn cho hình thức bao bì, thiết kế sao để người dùng dễ sử dụng sản phẩm. Điển hình cho hướng đi này là các sản phẩm như: Mật ong rừng Mây (xã An Toàn, huyện An Lão); các loại trà cà gai leo, bí đao, bột trái nhàu của cơ sở sản xuất Bảo Khánh (xã Cát Tân, huyện Phù Cát); yến sào Tam Quan (thị trấn Tam Quan, TX Hoài Nhơn)…
Khó khăn do dịch bệnh chưa phải đã hết, tuy nhiên trái với xu hướng thu hẹp đầu tư, nhiều DN Bình Định lại cố gắng rót vốn đầu tư vào máy móc thiết bị để da dạng hóa sản phẩm, tận dụng cơ hội quảng bá sản phẩm, đưa thông tin sản phẩm đến với người tiêu dùng. Anh Nguyễn Sơn Tịnh, Giám đốc Công ty TNHH Equana Việt Nam (ở phường Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn), chia sẻ: “Các sản phẩm làm bằng mo cau của công ty chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Vì vậy cùng với việc đầu tư mua sắm máy móc sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, đóng gói bao bì đẹp hơn, chúng tôi còn đẩy mạnh tuyên truyền, chào hàng, không bỏ lỡ bất cứ hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm nào ở địa phương, cả ở những tỉnh khác chúng tôi cũng nỗ lực có mặt”.
Tháng 7.2020, Sở Công Thương phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh Vĩnh Long - Hậu Giang - Tây Ninh tổ chức Hội nghị “Kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Bình Định với các tỉnh Vĩnh Long - Hậu Giang - Tây Ninh năm 2020”. Lần đầu tiên tham dự hội nghị, anh Nguyễn Văn Hồng, cơ sở sản xuất nhang trầm sạch Thông Hiệp, thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, chia sẻ: “Gia đình tôi có nghề làm nhang đã lâu đời. Sau nhiều năm tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, tôi quyết định sản xuất nhang sạch có hương thơm dịu nhẹ tự nhiên. Cơ sở đã tạo logo, thương hiệu và đóng hộp đẹp mắt, bao bì có hướng dẫn, phân tích lợi ích của sử dụng hương trầm sạch cho khách hàng. Tuy nhiên, sản phẩm tương đối khó tiếp cận khách hàng vì giá cao. Tôi đã xin tham gia các hội nghị để cho khách hàng cơ hội dùng thử sản phẩm với giá khuyến mãi. Sau nhiều hội nghị, hội chợ… chúng tôi đã tìm được một số cơ sở, đại lý phân phối đẩy mạnh tiêu thụ ở các tỉnh bạn”.
Tại Hội nghị kể trên, bà Trần Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Công Thương, chia sẻ: “Hội nghị đã chứng kiến 26 biên bản ghi nhớ, hợp tác phát triển được ký kết giữa các DN sản xuất, DN kinh doanh phân phối của 4 tỉnh. Đây là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực mà Sở Công Thương muốn kết nối cung cầu, tháo gỡ khó khăn thị trường tiêu thụ cho các DN trong thời kỳ khó khăn”.
HẢI YẾN