LÀNG NGHỀ SẢN XUẤT BÚN TƯƠI NGÃI CHÁNH:
Nhà máy Xử lý nước thải chưa phát huy hết tác dụng
Người dân thôn Ngãi Chánh, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn, phản ánh: Nhà máy Xử lý nước thải Làng nghề sản xuất bún tươi đã được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2019, nhằm mục đích thu gom và xử lý nước thải của các hộ sản xuất bún tươi trên địa bàn thôn Ngãi Chánh. Thế nhưng, trong quá trình sản xuất bún tươi, nhiều hộ vẫn còn xả thẳng nước thải ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân là do các hộ dân sản xuất bún ở đây chưa có hệ thống thu gom nên không được đấu nối vào nhà máy xử lý nước thải.
Nhà máy Xử lý nước thải Làng nghề sản xuất bún tươi Ngãi Chánh đi vào hoạt động từ năm 2019, nhưng chỉ có 6 hộ có hệ thống thu gom nước thải về nhà máy để xử lý.
Theo ông Đoàn Xuân Hùng, ở thôn Ngãi Chánh cho biết, đây là nghề truyền thống có từ ngày xưa đến giờ. Trước đây, các hộ dân chỉ sản xuất nhỏ lẻ, nhà nào cũng tự xây dựng hệ thống thu gom nước thải trong khu vườn của mình và tự chịu trách nhiệm về vấn đề xử lý môi trường. Hiện nay, nhiều hộ sản xuất quy mô lớn hơn nên họ tự xây dựng đường ống xả thẳng nước thải ra ruộng, rồi chảy xuống sông nên gây ô nhiễm nghiêm trọng. Còn bà Lê Thị Lan, có nhà ở gần Nhà máy Xử lý nước thải than phiền: Mức độ ô nhiễm gần nhà máy nặng nề hơn, bởi toàn bộ nước thải sản xuất và sinh hoạt của gần 70 hộ trong thôn đều xả thẳng xuống cánh đồng và ứ đọng lại thành từng vũng bốc mùi ôi chua, hôi thối. Người dân nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng chưa thấy xử lý, khắc phục.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Tấn Lộc, cán bộ Địa chính - Xây dựng - Nông nghiệp và Môi trường xã Nhơn Hậu, cho biết: Hiện tại thôn Ngãi Chánh có 68 hộ sản xuất bún tươi, trong đó có 21 hộ sản xuất bằng máy. Sau khi tỉnh đầu tư xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải và hệ thống thu gom nước thải phía Nam thôn về nhà máy để xử lý nhưng chỉ mới có 6 hộ thu gom nước thải về nhà máy. Còn lại đoạn thu gom phía Bắc thôn chưa được đầu tư xây dựng, nên các hộ này lén lút tự làm đường ống đổ nước thải ra ruộng rau muống trước nhà dân, gây ô nhiễm. Vừa qua, UBND xã cũng đã tổ chức họp những hộ dân làm bún tươi xả thải ra môi trường để tuyên truyền, vận động và người dân cũng đã cam kết không tái diễn. Nhưng rồi họ lại tái phạm.
Nước thải trong quá trình sản xuất xả ra đồng ruộng có màu đục, mùi chua, hôi thối gây ô nhiễm môi trường.
Cũng theo ông Lộc, khó khăn nhất hiện nay là các hộ sản xuất bún tươi nằm rải rác trong khu dân cư nên khó thực hiện xây dựng đường ống thu gom nước thải. Mặt khác, nếu yêu cầu người dân đóng góp để xây dựng đường ống đến nhà máy thì số tiền tương đối lớn nên họ không đồng tình.
Về vấn đề này, ông Giả Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu, cho hay: Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, địa phương đã thuê đơn vị tư vấn thiết kế, tạm thời lấy kinh phí của xã xây dựng hệ thống thu gom, sau đó tiếp tục vận động các hộ sản xuất đóng góp để trả chi phí cho nhà máy xử lý nước thải hoạt động, trả tiền công nhân vận hành máy, tiền điện… “Trong năm 2020 xã phải xây dựng xong hệ thống thu gom nước thải về nhà máy, yêu cầu tất cả các hộ sản xuất phải có trách nhiệm đấu nối vào nhà máy. Nếu hộ nào không chấp hành, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý, không để tình trạng ô nhiễm môi trường như lâu nay”, ông Thọ cho biết thêm.
VĂN LƯU