Chữ Quốc ngữ theo dòng thời gian
Bộ phim tài liệu “Chữ Quốc ngữ theo dòng thời gian” do VTV sản xuất với thời lượng gần 45 phút. Chỉ với từng ấy thời gian, nhưng bộ phim đã bao quát được quá trình phôi thai, hình thành, phát triển của chữ Quốc ngữ, trải dài trên từng vùng đất. Ngoài việc dẫn dắt người xem gặp chuyên gia, nhà nghiên cứu, phim còn tái hiện những thướt phim, hình ảnh tư liệu ngày trước, đến những nơi ghi dấu cho sự phát triển của chữ Quốc ngữ. Xem phim, người xem có thể phát hiện ra những nhầm lẫn của mình khi nghĩ về chữ Quốc ngữ, ông tổ của chữ Quốc ngữ…
Một cảnh trong phim tài liệu “Chữ Quốc ngữ theo dòng thời gian”.
Trong gần 45 phút của bộ phim, người Bình Định còn được dịp tự hào khi nhận ra trong những cảnh quay có hình ảnh của quê hương mình. Nằm trên địa bàn huyện Tuy Phước, từ cảng thị Nước Mặn (thôn An Hòa, xã Phước Quang) tới Tiểu chủng viện Làng Sông (thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận) chừng 10 km đường bộ nhưng có biết bao điều thú vị. Cảng thị Nước Mặn được xem là nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ khi năm 1618, quan Khám lý phủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa đón các giáo sĩ phương Tây: Francesco Buzumi, Christoforo Borri, Francisco de Pina từ Hội An vào Quy Nhơn, đưa về lưu trú tại Nước Mặn. Cụ Trần Đức Hòa đã tạo mọi điều kiện để các giáo sĩ phiên âm, sáng tạo, hình thành chữ Quốc ngữ. Kiến trúc nguyên thủy không còn nữa nhưng nhiều nhà nghiên cứu, khảo cổ cho rằng cư sở Nước Mặn tọa lạc tại vườn nhà ông Võ Cự Anh. Tại đây, Tòa Giám mục Quy Nhơn xây dựng công trình biểu tượng mượn dáng cây cổ thụ có nhiều nhánh biểu trưng cho nguồn cội, sự phát triển của chữ Quốc ngữ.
Bên cạnh đó, cùng với nhà in Tân Định (Sài Gòn), nhà in Ninh Phú (Hà Nội), nhà in Tiểu chủng viện Làng Sông là 3 nhà in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Nhà in Làng Sông do Ðức cha Eugène Charbonnier Trí thành lập. Năm 1922, dưới sự điều hành của cha Maheu, nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách, 32.000 ấn phẩm khác, riêng tờ Lời Thăm (bán nguyệt san) được in 1.500 bản, phát hành toàn Ðông Dương. Thời gian này, nhiều cây bút ở Nam Bộ như Trương Vĩnh Ký, Lê Văn Đức… in sách ở đây.
Không nơi nào cũng không ai có thể khẳng định ý nghĩa tuyệt đối trong tiến trình hình thành, phát triển chữ Quốc ngữ. Mỗi nơi, mỗi người có một ý nghĩa riêng để lại cho con cháu đời sau chữ viết của riêng mình.
Link: https://vtv.vn/video/phim-tai-lieu-chu-quoc-ngu-theo-dong-thoi-gian-445760.htm
ÐỖ THẢO