Việt Nam đúc rút kinh nghiệm điện hạt nhân từ vụ Fukushima
Ngày 21.12, tại Hà Nội, Đại học Điện lực đã phối hợp tổ chức hội thảo “Công nghệ Lò phản ứng nước nhẹ VVER: Kinh nghiệm và đánh giá hậu Fukushima.”
Tại hội thảo, tiến sỹ Alexander Khrobostov, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử và Vật lý Ứng dụng, Đại học Kỹ thuật Quốc gia Nizhny Novgorod, đã trao đổi về xu hướng hiện đại trong kỹ thuật thi công nhà máy điện hạt nhân và những tiến bộ của Liên bang Nga trong công nghệ an toàn điện hạt nhân hậu sự cố Fukushima Daiichi (Nhật Bản).
Tiến sỹ đã giải đáp nhiều thắc mắc của sinh viên Việt Nam liên quan tới các vấn đề chuyên ngành điện nguyên tử như vấn đề khí thải, công nghệ lò phản ứng nước nhẹ VVER, các nguyên tắc an toàn hạt nhân.
Đây là cơ hội để thế hệ chuyên gia về năng lượng hạt nhân trong tương lai của Việt Nam tiếp cận những kiến thức hiện đại, đặc biệt là vấn đề an toàn trong vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Hiện cả nước có sáu trường đại học và Viện Năng lượng nguyên tử có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật hạt nhân.
Giai đoạn 2010-2013, Việt Nam đã cử 160 sinh viên đi học đại học tại Nga, gửi đi đào tạo ngắn hạn, thạc sỹ, tiến sỹ tại Nga và các nước khác.
Hiện nay, Liên bang Nga đang hỗ trợ Việt Nam đào tạo chuyên gia chuyên ngành điện nguyên tử.
Tiến sỹ Alexander Khrobostov cũng khẳng định, những chuyên gia vận hành được đào tạo tại Nga ngoài việc đào tạo về lý thuyết sẽ được tập huấn, thực hành từ 1-3 năm mới được vào làm việc chính thức tại các nhà máy để đảm bảo an toàn.
Theo Quy hoạch năng lượng quốc gia đã được phê duyệt, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ được đưa vào vận hành năm 2020 và đến năm 2030, tổng công suất điện hạt nhân của Việt Nam sẽ đạt khoảng 10.700MW, chiếm khoảng 7% tổng công suất điện và đóng góp khoảng 10% vào tổng sản lượng điện quốc gia.
. Theo Vietnam+