“Tương kính như tân”
Tân trong tân binh, tân tổng thống là một yếu tố gốc Hán. Chữ tân này thuộc bộ cân, nghĩa là “mới”, đối lập với cựu (bộ cửu) có nghĩa là “cũ”. Trong tiếng Việt, chữ này xuất hiện trong khá nhiều từ, ngữ như: tân gia, tân hôn, tân niên, tân tiến, tân trang, tân xuân, cách tân, canh tân… Chữ tân này cũng xuất hiện trong nhiều thành ngữ, nhất là thành ngữ gốc Hán: tống cựu nghinh tân (tiễn cũ đón mới), ôn cố tri tân (ôn cũ biết mới), tân xuân như ý…
Trong tiếng Việt, các yếu tố tân gốc Hán với nghĩa “mới” xuất hiện đậm đặc, quen thuộc. Đây là lý do chính dẫn đến việc không ít người nhầm tương kính như tân nghĩa là “kính nhau như mới”.
Thật ra, tân trong thành ngữ trên không phải nghĩa “mới”. Chữ tân này thuộc bộ bối, nghĩa là “khách”, đối lại với chủ. Ta gặp chữ này trong các từ tân khách (khách khứa nói chung [chứ không phải “khách mới”]), tân ngữ (phần ngữ chỉ khách thể [chịu sự tác động của động từ trong câu]).
Tương kính như tân có thể hiểu là “kính trọng nhau như khách” (tương: với nhau). Đây là lời khuyên của người xưa về đạo lý vợ chồng. “Xa thương gần thường”, vợ chồng sống với nhau lâu ngày thường nhìn thấy các khuyết điểm của nhau, có xu hướng coi thường nhau, từ đó dễ dẫn đến những rạn nứt, đổ vỡ trong đời sống hôn nhân. Đây là quy luật tâm lý chung, khó tránh khỏi. Do đó, để giữ gìn hạnh phúc hôn nhân, vợ chồng kính trọng nhau là điều tiên quyết. Tương kính như tân được xem như phương châm trong ứng xử vợ chồng.
Ngoài tân (mới), tân (khách), trong tiếng Việt còn có một hình vị tân gốc Hán khác. Tân này (chữ cũng là bộ) là tên của can thứ 8 trong 10 can (như tân hợi, tân mùi). Đây cũng là tân với nghĩa “cay” trong các từ tân khổ (cay đắng), tân toan (chua cay). Tuy nhiên, tần suất xuất hiện của chữ tân này so với hai chữ tân kể trên thấp hơn rất nhiều.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ