XÁC NHẬN NGUỒN GỐC NGUYÊN LIỆU THỦY SẢN:
Bình Ðịnh luôn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Giữa tháng 6.2020, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị lên Bộ NN&PTNT về việc ban quản lý cảng cá tại một số tỉnh, trong đó có Bình Ðịnh gây khó DN làm thủ tục cấp giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT kiểm tra, báo cáo Bộ NN&PTNT; qua đó khẳng định Bình Ðịnh luôn tạo thuận lợi cho các DN.
Hoạt động mua bán thủy sản tại cảng cá Quy Nhơn.
Tại Văn bản 82/2020/CV-VASEP ngày 12.6.2020 VASEP gửi Bộ NN&PTNT đề cập đến việc một số Ban quản lý cảng cá yêu cầu khống chế số lượng nguyên liệu trên giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản (giấy S/C) bất hợp lý. Theo VASEP, Thông tư 118/2018/TT-BTC ngày 28.11.2018 của Bộ Tài chính quy định rõ mức thu phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, như sau: “150 nghìn đồng + (số tấn x 15.000 đồng/tấn). Tối đa không quá 700nghìn đồng/lần”. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số ban quản lý cảng cá các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu... đã yêu cầu DN tách lượng nguyên liệu thu mua xin cấp giấy S/C để không vượt quá 36 tấn nguyên liệu/giấy. Nhiều trường hợp, lượng hải sản DN mua trong 1 lần tại một nơi được khoảng 40 tấn, phải tách làm 2 giấy S/C (một giấy 36 tấn và một giấy khoảng 4 tấn) buộc DN phải làm thêm nhiều bộ hồ sơ xin xác nhận giấy S/C, đồng nghĩa phải chịu thêm chi phí xin cấp giấy S/C.
Tính đến ngày 28.7, Ban quản lý cảng cá Quy Nhơn và Ðề Gi đã kiểm tra, làm thủ tục xuất nhập cảng cho 2.777 lượt tàu cá cập bến, 3.612 lượt tàu cá xuất bến. Thực hiện thủ tục 81 giấy S/C xác nhận nguyên liệu nguồn gốc thủy sản cho 499,8 tấn thủy sản các loại; trong đó, cảng Quy Nhơn xác nhận 38 giấy S/C với 440 tấn thủy sản, cảng Ðề Gi xác nhận 43 giấy S/C với 59,8 tấn thủy sản. Riêng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cấp 87 giấy chứng nhận nguyên liệu nguồn gốc thủy sản cho 856 tấn thủy sản.
Liên quan vấn đề này, ông Trần Văn Phúc, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã chỉ đạo Ban quản lý cảng cá kiểm tra việc thu phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu tại cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi để báo cáo tỉnh và Bộ NN&PTNT. Kết quả cho thấy, việc xác nhận nguồn gốc thủy sản và thu phí tại các cảng cá được Ban quản lý các cảng cá thực hiện đúng quy định pháp luật, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc truy xuất nguồn gốc thủy sản”.
Theo Sở NN&PTNT, qua kiểm tra hồ sơ lưu tại Ban quản lý cảng cá Bình Định, trong năm 2019, có 9/317 hồ sơ của 4 DN, gồm: Công ty CP Thủy sản Bình Định, Công ty TNHH đồ hộp Việt Cường, Công ty TNHH đồ hộp Blue Sea, Công ty CP Foodtech có khối lượng xác nhận cho 1 bộ hồ sơ S/C hơn 36,6 tấn thủy sản.
Các DN, đại lý mua gom thủy sản trong tỉnh cho rằng, thông tin về việc Ban quản lý các cảng cá yêu cầu tách sản lượng nguyên liệu là chưa chính xác. Bà Võ Thị Hà, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Ngọc Hà (phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn), khẳng định: “Chúng tôi làm đại lý mua gom thủy sản cho các DN trong và ngoài tỉnh. Tất cả thủ tục liên quan đến thẩm định, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản được Ban quản lý các cảng cá trong tỉnh thực hiện nhanh chóng, việc thu phí được tính theo quy định 1 lần xác nhận là 700 nghìn đồng, có khi 1 giấy S/C sản lượng hơn 40 tấn, 50 tấn, chứ không có tách khối lượng ra làm nhiều bộ S/C”.
Còn ông Võ Ngọc Hiền, chủ một đại lý mua gom thủy sản ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn), cho hay: “Tôi mua gom thủy sản của hàng chục tàu cá, nhưng mỗi lần xác nhận giấy S/C sản lượng có khi 60, 70 tấn mà phí vẫn đóng 700nghìn đồng/lần, làm gì có chuyện Ban quản lý cảng cá bắt tách sản lượng để đóng thêm phí!”.
Ngày 28.7, trao đổi với phóng viên Báo Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, cho biết: “Mỗi mùa trăng, tàu cá cập cảng cá nhiều, nhưng các tàu không về cảng cùng một lúc, do đó sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng không cùng một lần để xác nhận, chứng nhận một lô hàng mà phải nhiều đợt. Bởi vậy, việc xác nhận nguyên liệu nguồn gốc thủy sản và xác nhận lô hàng thủy sản để chế biến không thể đồng nhất một lần, mà có khi nhiều lần, nhưng việc thu phí xác nhận, chứng nhận thủy sản vẫn theo quy định pháp luật. UBND tỉnh cũng đã báo cáo Bộ NN&PTNT về vấn đề này”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN