Nhận diện những mối đe dọa an ninh mạng
Malware, APT, Ransomware và các loại hình tấn công mạng khác rõ ràng là những thách thức nổi cộm nhất hiện nay đối với bất kỳ tổ chức nào, đặc biệt tổ chức tài chính như ngân hàng, cơ quan Chính phủ. Mục đích của các cuộc xâm nhập là xâm chiếm dữ liệu có giá trị. Kẻ đột nhập thường sử dụng phương pháp tấn công nhiều giai đoạn như: Đạt được một điểm xâm nhập, download các malware, mở cổng hậu (backdoor), định vị và xâm chiếm các hệ thống mục tiêu, upload dữ liệu.
Nhân viên Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Bình Định kiểm tra định kỳ để đảm bảo Trung tâm dữ liệu vận hành hiệu quả.
Về kịch bản các cuộc tấn công, thông thường kẻ tấn công có kinh nghiệm hoặc các APT Group nhắm đến điểm yếu nhất của các cơ quan, tổ chức, đó là con người. Thông qua các hình thức như Social Engineering hay Spear Phishing, kẻ tấn công sẽ chiếm quyền máy tính của một vài cá nhân, từ đó mở rộng phạm vi tấn công trong hệ thống.
Tấn công malware là kẻ tấn công chèn một chương trình chạy bí mật trong hệ thống và tiến hành gửi thư rác; ăn cắp, mã hóa hoặc xóa dữ liệu thông tin thẻ tín dụng, mật khẩu. APT là các cuộc tấn công chủ đích. Kẻ tấn công sử dụng mọi phương tiện như mã độc được thiết kế cho mục đích cụ thể, tấn công vào các máy chủ web và cơ sở hạ tầng mạng, kỹ nghệ xã hội, nội gián. Ransomware là một loại phần mềm độc hại, chuyên mã hóa, thao túng dữ liệu của nạn nhân, hoặc khóa quyền truy cập thiết bị của người dùng nhằm mục đích tống tiền.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Võ Gia Nghĩa, Chủ tịch Hội Tin học Bình Định cho biết, các cuộc tấn công mạng có chủ đích ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ tinh vi. Tại Bình Định, vừa xảy ra trường hợp một địa phương bị hacker tấn công, xóa toàn bộ dữ liệu 70.000 văn bản và phải mất rất nhiều thời gian để khôi phục. Tỉnh đang hướng đến nền quản trị hành chính hiện đại, thông minh và không giấy tờ, toàn bộ các file văn bản điện tử đã được đưa lên hệ thống quản lý tài liệu điện tử của trung tâm dữ liệu, đặt tại Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Bình Định. Để đảm bảo an toàn thông tin cho toàn hệ thống, mỗi đơn vị phải tự trang bị một chiếc áo giáp sắt, chứ không thể mặc may ô để đối phó với địch.
Ông Trần Trung Hiếu, chuyên viên an toàn thông tin thuộc Trung tâm An ninh mạng FPT, cho biết, hiện tại công tác đảm bảo an toàn thông tin ở Bình Định đang dừng ở mức cơ bản, với việc trang bị các giải pháp phòng vệ như Antivirus, Firewall, IDS/IPS giúp phòng chống các cuộc tấn công sử dụng kỹ thuật, mã độc đã biết. Tuy nhiên, vẫn thiếu hụt khả năng giám sát, phát hiện sớm tấn công để đưa ra hành động ứng cứu, phản hồi sự cố.
Về việc đảm bảo an toàn thông tin, ông Phạm Tùng Dương, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng FPT, chia sẻ: “80% sự cố mất an toàn thông tin có thể xử lý đơn giản như: Đặt mật khẩu khó theo quy chuẩn thế giới, không bấm vào tập tin lạ từ trên mạng, không mở hết các cổng dịch vụ ra internet, luôn cập nhật phiên bản mới nhất cho máy tính...”.
KHÁNH LINH