Nhọc nhằn thợ đá
Có thanh âm nào khô khốc, chát chúa bằng tiếng búa tạ, mũi khoan chọi khoét vào lòng đá. Có nhọc nhằn nào bằng miếng cơm, manh áo người thợ đá làm ra. Và, có đau đớn, ám ảnh nào bằng cái chết bị đá đè, rớt xuống từ núi đá. Đời thợ khoan đá, chẻ đá đối mặt với sinh - tử trong tấc gang, nhưng vì áo cơm, nhiều người vẫn liều lĩnh bước vào nghề.
Tìm cơm trong đá
Núi Hòn Chà (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) một ngày giữa tháng 10 âm lịch, sáng sớm trời lạnh cắt da cắt thịt. Chiếc Sirius màu trắng cũ mèm của Nguyễn Thái Mẫn (ở thôn Trung Ái, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn) khó nhọc trườn bám trên cung đường dốc ngoằn ngoèo từ dưới chân lên lưng chừng núi và đặt chúng tôi “hạ cánh” an toàn trước lán trại. Trong trại lúc này, nhóm thợ làm chung mỏ với Mẫn cũng đang chuẩn bị vào việc: Năm lớn (50 tuổi) là tài xế xe đào kiêm bảo vệ máy móc; Út (27 tuổi) lái máy xúc; Năm nhỏ (22 tuổi) là thợ khoan; Tờ (22 tuổi), phụ khoan. Mỗi người mỗi bộ quần áo “chuyên dụng”: cũ, dày, nhuộm bụi đá mốc thếch, thi nhau rít thuốc lá. “Khởi động như vầy cho đầu óc tỉnh táo và đỡ lạnh”, Mẫn nói như giải thích, mắt trông ra vạt núi nham nhở, lố nhố đá từng tảng trắng phếu trước mặt.
Tầm 7 rưỡi, không khí lạnh lẽo, vắng vẻ ở mỏ đá bị phá tan khi Năm nhỏ khởi động máy nổ. Trên 1 tảng đá, Mẫn còng lưng, ghì tay đi các đường khoan chính làm dấu, để Năm nhỏ và Tờ cứ theo đó mà khoan sâu xuống. Chân trần mím vào đá, đồ bảo hộ duy nhất là chiếc mũ vải và khẩu trang, ba con người kiếm cơm giữa bủa vây bụi đá và rốc ráy âm thanh của mũi khoan, búa khoan. Mẫn đã có 6 năm trong nghề làm đá. Năm nhỏ cũng theo nghề hơn 1 năm nay. Còn Tờ, đây là ngày đầu tiên em đến làm ở mỏ đá.
Cũng là thợ đá, nhưng việc chẻ đá, gọt đá thủ công tại những bãi tập trung đỡ khắc nghiệt hơn. Nằm rải rác dọc tỉnh lộ 638 đoạn qua địa phận các xã Phước Thành, Phước An (huyện Tuy Phước), mỗi bãi đá loại này thu hút hàng chục nhân công, chủ yếu là người dân nghèo các vùng lân cận. Dưới mỗi căn lều nhỏ tạm bợ không đủ để che nắng che mưa, với đồ nghề tự trang bị khá đơn giản, gồm: búa tạ, búa con, mũi đục, mũi chấm, thước đo, những phận đời lam lũ cần mẫn đục đẽo mỗi ngày, biến đá thành cơm.
“Từ những khối đá lớn, nhiệm vụ của chúng tôi là chia nhỏ ra, gọt thành kích cỡ theo yêu cầu của chủ thầu. Tiền công mỗi viên cỡ 10x20cm là 2.600 đồng, ngồi còng lưng, phồng tay mỗi ngày cũng kiếm được 180 ngàn đồng, có thêm thu nhập để lo cho gia đình”, thợ đá Đỗ Phú Ba (37 tuổi, ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) cho biết. Ngồi cùng lều với anh là 3 “trụ cột” gia đình khác, cũng cùng quê và trạc tuổi nhau.
Đánh đổi
Những năm gần đây, các địa danh Chùa Hang, Hội Khánh (xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ) bất đắc dĩ nổi tiếng trên “gu gồ”. Còn thợ đá tứ phương, nhắc đến những mỏ đá trên núi Chùa Hang, ai nấy đều rụt cổ, nhăn mặt, ớn lạnh chạy dọc sống lưng. “Chỉ riêng thôn Hội Khánh đã có 4 người bỏ mạng, thịt nát xương tan vì đá. Cũng bởi cảnh nghèo, áo cơm thúc giục, nghĩ đến tương lai con cái mà những người chồng, người cha chấp nhận liều lĩnh mưu sinh ở mỏ đá. “Sanh nghề tử nghiệp”, tai nạn từ nghề đá, nhất là với thợ khoan, thợ chẻ thường bi đát vô cùng”, ông Trương Xuân, 65 tuổi, một người dân thôn Hội Khánh nói trong tâm trạng nặng trĩu.
Kề nhà ông Xuân là nhà hai công nhân đá Nguyễn Văn Biên và Huỳnh Công Hạnh - nạn nhân mới nhất trong hai vụ tai nạn lao động trên núi Chùa Hang vào tháng 6.2011 và 6.2013. Đã hơn 6 tháng kể từ ngày anh Hạnh đột ngột lìa bỏ cha mẹ, vợ con, nỗi đau, nỗi ám ảnh chưa hề vơi trong gia đình người công nhân xấu số này. Hơn 10 năm làm ở mỏ đá, từ thợ chẻ lên thợ khoan, đã nếm trải đủ nhọc nhằn, khắc nghiệt, anh Hạnh đã định bụng chỉ ráng làm đến cuối năm rồi nghỉ hẳn. Vợ anh, chị Huỳnh Thị Hồng Yến gạt nước mắt kể: “Ảnh nói đá ở dưới thấp hết, phải leo lên cao, cách mặt đất mấy chục mét mà khoan, hãi lắm! Nhất là sau khi anh Biên trên nhà bị đá đè chết thảm, ảnh cũng như nhiều thợ đá trong thôn nằm nhà cả tháng trời mới dám đi làm lại. Cứ đôi ba hôm anh lại nói chuyện nghỉ, nhưng rồi nghĩ đến cái ăn cho cả nhà chỉ trông chờ vào 1 sào ruộng…, ảnh lại lặng lẽ vào mỏ đá”.
Chan hòa nước mắt cùng với người đàn bà góa chồng ở tuổi 38, tôi tự hỏi, đến bao giờ mới có thể vơi bớt ký ức đau thương này? “Phải thuộc hạng nghèo… cùng đinh và có chút gan lỳ mới vào nghề thợ đá. Và dẫu cho nằm lòng một số mẹo cơ bản như: thế đá, độ nghiêng, hướng ngã- lăn - rơi, đường gân, tư thế ngồi, điểm tựa..., nhưng rủi ro vẫn xảy ra bất cứ lúc nào, người bình tĩnh xử lý được rất hiếm”, sau gần 15 năm quăng quật ở hàng chục mỏ đá trong và ngoài tỉnh, anh Đỗ Phú Ba đúc kết như vậy.
Nuôi một giấc mơ
Nửa buổi sáng ở Hội Khánh, chốc chốc lại nghe những tiếng đì đùng rung chuyển xóm làng và khói trắng bốc lên từ núi Chùa Hang. Đến những đứa trẻ ở Mỹ Hòa cũng dần quen với âm thanh ghê rợn ấy. Mất nửa năm trời để hoàn hồn, giờ đây chị Yến đang một mình gồng gánh trách nhiệm nuôi dạy các con. “Anh Hạnh đoản mệnh vắn số cũng vì lo nghĩ cho tương lai 3 đứa con, giờ còn lại một mình, tôi càng gắng hết sức lo cho con ăn học tới nơi tới chốn, để không phụ lòng ảnh”, chị Yến tự hứa với lòng. Số tiền 300 triệu đồng - được công ty nơi anh Hạnh làm việc và thiệt thân hỗ trợ - chị đem gửi ngân hàng, lấy lãi hằng tháng phụ đóng tiền học cho con. Thêm 1 sào ruộng và mấy con bò, 4 mẹ con cháo rau đắp đổi qua ngày.
Không thể phủ nhận, nghề khoan đá, chẻ đá mang đến cho người thợ và gia đình họ miếng cơm manh áo. Nhưng một phần vì tiêu tốn sức khỏe, phần chính vì cái giá phải trả (nếu không may) quá đắt, nên không ai tính đến chuyện gắn bó lâu dài. Qua ông Xuân tôi được biết, ở Hội Khánh bây giờ, đã có không ít thợ đá giải nghệ. Như thợ Hùng ở đội 4, nghề đá giúp anh tích lũy được một số vốn, để chuyển sang sắm máy cày, kiếm cơm từ nghề nông; như thợ Hưng cũng ở đội 4, mấy năm nay đã chuyển sang nghề nấu rượu nuôi heo… Và Năm nhỏ, nếu hoàn cảnh gia đình không đặt em vào thế phải tự lập sớm, em cũng không chọn nghề đá. Mồ côi mẹ khi chưa lên 10, cha đi thêm bước nữa, Năm đặt chân lên núi Hòn Chà với mục tiêu làm một thời gian kiếm được ít tiền để tự nuôi mình học nghề.
Cũng buổi sáng ấy trên núi Hòn Chà, Mẫn khoan chưa được nửa buổi đã phải hộc tốc xuống núi. Chị Phan Thị Đăng Minh, vợ anh, đang ở nhà mẹ đẻ tại xã Bình Thành (huyện Tây Sơn) chuyển dạ sinh con đầu lòng. Mẹ vợ anh, bà Đặng Thị Lợi, một phụ nữ khuyết tật nhưng sống rất mạnh mẽ, lạc quan, đưa con gái cũng kém may mắn như mình đến bệnh viện sinh nở. Mẫn từ mỏ đá trên núi chạy ào về để kịp có mặt bên vợ trong giờ phút chị cần anh nhất. Một ca sinh nở không có thành viên nào bên nội bởi gia đình phía Mẫn vẫn chưa mở lòng đón nhận người con gái đáng thương và bản lĩnh ấy về làm dâu.
Theo Mẫn trọn 1 ngày, hiểu ngọn ngành về hoàn cảnh kinh tế gia đình bức bách của anh, tôi càng thấu hiểu vì sao anh chấp nhận bám trụ, lăn lóc cùng đá đã 6 năm trời. Nhưng, chính tại khoảnh khắc đón con gái bé bỏng vừa lọt lòng từ tay người y tá, cũng là lần đầu tiên người thanh niên dạn dày gió sương và có máu liều lĩnh ấy nói đến chuyện giải nghệ. “Hạnh phúc hay khổ đau của vợ con gắn chặt vào mình, ngay khi có được số vốn con con, tôi sẽ về quê làm ruộng, chăn nuôi”, Mẫn nói khi đang ôm con gái bé bỏng vào lòng, mắt ngời hy vọng.
Thợ đá là thợ “ba không”: không hợp đồng, không bảo hiểm, không ràng buộc; gặp mỏ đá xấu, hao công, sản lượng thấp hoặc khi xảy ra xích mích với chủ, hoàn toàn có thể bỏ ngang tìm nơi khác làm. Cứ thế, nghèo + thu nhập cao + tự do = thợ đá, “công thức” này không chỉ mỗi Năm nhỏ đúc kết ra mà nhiều thợ đá đều xác nhận như thế.
SAO LY
bài viết hay, lâu lắm mới có một bài tạo cho người đọc nhiều thông tin và cảm xúc.
Ba tôi cũng một thời làm nghề thợ đá và tôi biết là những gì của nghề chưa được tác giả phản ảnh đúng, đầy đủ. Tác giả nói là những người làm nghề này "phải thuộc hạng nghèo… cùng đinh", xin thưa là không phải như thế. Tác giả nên nhìn nhận rằng, chừng 15 năm về trước có rất nhiều người có nghề hẳn hoi mới đi làm đá. Thời đó, nghề này rất thịnh, nhiều công nhân có kỹ thuật được các chủ thầu mời về làm, phụ trách việc đặt kip nổ, bắn đá, khoan đá block (những khối đá lớn) ở các mỏ đá. Một thời gian dài, nhiều người sông bằng nghề, nên công thức mà tác giả đưa ra "nghèo+thu nhập cao+tự do=thợ đá" chỉ phù hợp với thời điểm này mà thôi. Còn bây giờ, thợ đá đã giảm đi rất nhiều (nhất là thợ đá block), phần lớn cũng chỉ làm đá chẻ, rubit, thu nhập vì thế cũng không nhiều đâu (vì tác giả không làm nên không biết để kiêm mỗi ngày khoảng 100.000 đồng phải vất vả thế nào). Không thể nói rằng họ là "hạng cùng đinh" mà vì không có nghề nghiệp, công việc ổn định. Bài viết có nói đến những người