Sức bật mới ở miền núi An Lão
Từ điểm xuất phát thấp, trong giai đoạn 2015 - 2020, Ðảng bộ và nhân dân huyện An Lão đã không ngừng phấn đấu vượt qua bộn bề khó khăn, thách thức, đưa vùng đất miền núi này ngày càng khởi sắc.
Theo đồng chí Phạm Văn Nam - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện An Lão, nét nổi bật trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 là Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khá toàn diện, đề ra các chủ trương, biện pháp và giải pháp sát hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Từ đó, kinh tế của An Lão tiếp tục tăng trưởng khá; kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư, hoàn thiện, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên.
“Áo mới”
Kinh tế của huyện An Lão tiếp tục tăng trưởng và duy trì ở mức khá. Tổng giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt hơn 1.450 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 13,06% (nghị quyết 11,52%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản và tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ. Cụ thể, đến nay, tỷ trọng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ tương ứng là 55,51% - 19,64% - 24,85% (năm 2015 là 60,69% - 12,55% - 26,76%). Thu ngân sách địa phương đạt chỉ tiêu tỉnh giao, bình quân hằng năm tăng 41,22%/năm (nghị quyết 10%/năm).
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng kiểm tra vườn sản xuất dược liệu của BIDIPHAR tại xã An Toàn. Ảnh: N.HÂN
Đáng chú ý, kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư có trọng điểm và phát huy hiệu quả. “Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã triển khai xây dựng 561 công trình với tổng nguồn vốn hơn 325 tỷ đồng. Nhiều công trình dân sinh, giao thông, thủy lợi được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ kịp thời sản xuất và đời sống nhân dân, làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi”, đồng chí Phạm Văn Nam nhận định.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng trò chuyện, động viên người dân xã An Dũng thực hiện di dời, tái định cư để phục vụ thi công hồ Đồng Mít. Ảnh: VĂN LƯU
Có thể kể ra một số công trình tiêu biểu tạo nên diện mạo mới cho huyện như: Tượng đài Chiến thắng An Lão, Hồ sinh thái, khu tái định cư Gò Núi Một, khu tái định cư xã An Dũng, đê sông An Lão đoạn xã An Hòa, thị trấn An Lão; đường An Hòa - Ân Hảo Tây, cầu qua khu kinh tế Trung Hưng, cầu Thanh Sơn, đường thôn 1 - thôn 3 xã An Nghĩa, đường thôn 1 - thôn 3 xã An Hưng, khu Thương mại - dịch vụ và dân cư Đồng Bàu...
Đổi thay, phát triển
Một trong những dấu ấn trong giai đoạn 2015 - 2020 ở huyện An Lão là tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chủ trương của Trung ương và của tỉnh. Việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KHKT vào sản xuất được chú trọng, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Năng suất cây lúa tăng từ 57,3 tạ/ha (năm 2015) lên 62,5 tạ/ha (nghị quyết 58,5 tạ/ha).
Các loại cây trồng mới theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu phát triển khá. Điển hình như cam xoàn có 34,5 ha, bưởi da xanh 105,5 ha, sầu riêng 11,5 ha, hồ tiêu 9,5 ha, bơ 12,13 ha. Diện tích dâu tằm lên đến 217,6 ha, sản lượng kén trong 5 năm qua đạt 87 tấn, giá trị sản xuất 14,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện đã trồng các loại cây dược liệu như chè dây, đương quy, cà gai leo và cây thìa canh, sâm đá…
Tại xã An Hòa, nhiều mô hình sản xuất mới đã được chú trọng triển khai. Theo anh Võ Đông Hưng, công chức Nông - Lâm nghiệp của UBND xã An Hòa, được hỗ trợ ban đầu về giống cũng như kỹ thuật, nhiều nông dân đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất với nhiều cây trồng, vật nuôi mới. Tiêu biểu như gia đình ông Đỗ Văn Minh ở thôn Vạn Khánh. “Được xã vận động, tôi quyết định chuyển toàn bộ khu vườn tạp sang trồng bưởi da xanh. Đến nay, vườn bưởi đã cho lứa quả đầu tiên, chất lượng rất khả quan; thị trường rất ưa chuộng loại bưởi này”, ông Minh chia sẻ.
Vườn bưởi da xanh của ông Đỗ Văn Minh đang phát triển tốt. Ảnh: N.V.T
Bên cạnh đó, huyện An Lão cũng đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Mật ong rừng An Lão, Chè Tiến vua An Toàn và được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Đồng thời, triển khai thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 3 sản phẩm được xếp hạng 3 sao cấp tỉnh (mật ong rừng An Lão, cam xoàn An Toàn, cau hột An Hòa) và 7 sản phẩm cấp huyện đạt từ 2 sao trở lên (hàng thủ công mỹ nghệ An Hòa, thịt heo đen, thịt bò, rau sạch An Tân, dứa An Toàn, tiêu hạt An Lão, rượu cần An Hưng).
Bên cạnh chuyển đổi sản xuất, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực. Cụ thể, huyện đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghề cho trên 4.450 người, trong đó đào tạo nghề trên 1.060 người. Xuất khẩu lao động có nhiều khởi sắc, trong 5 năm qua đã có 153 người xuất khẩu lao động; đa số có thu nhập ổn định, tích lũy vốn để đầu tư, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 của toàn huyện còn 36,34%, ước đến cuối năm 2020 giảm còn 26,92%, bình quân hằng năm giảm khoảng 7,6% (nghị quyết giảm trên 5%).
NGUYỄN VĂN TRANG