“Mạnh tay” với buôn lậu, gian thương
Thời gian qua, các lực lượng chức năng của tỉnh triển khai nhiều biện pháp quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, bình ổn thị trường, đảm bảo ANTT xã hội.
Lực lượng QLTT tỉnh kiểm tra, tạm giữ hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ.
Kiên quyết kiểm tra, xử lý
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh, thời gian qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (BL-GLTM-HG) luôn được UBND tỉnh, các sở, ngành, chính quyền địa phương quan tâm, phối hợp triển khai nhiều kế hoạch chuyên đề trọng điểm, góp phần bình ổn thị trường, kiềm chế hoạt động BL-GLTM-HG trên địa bàn tỉnh.
6 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã kiểm tra 720 vụ; phát hiện, xử lý 684 vụ vi phạm về BL-GLTM-HG; thu nộp ngân sách nhà nước trên 15,4 tỷ đồng; khởi tố 8 vụ/7 bị can về tội vận chuyển, buôn bán hàng cấm.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh thường xuyên chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hành vi liên quan đến BL-GLTM-HG. Đã tiến hành kiểm tra 581 vụ, phát hiện 296 vụ vi phạm; xử lý 286 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 881 triệu đồng; chuyển cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị khởi tố 1 vụ.
Đơn cử, ngày 27.5.2020, Đội QLTT số 3 phối hợp với ngành chức năng liên quan kiểm tra, phát hiện lô hàng không có hóa đơn chứng từ, vi phạm nhãn hàng hóa được bà Nguyễn Thị Uông Nguyên (trú huyện Phù Mỹ) sử dụng chế biến, sản xuất kem trộn “kích trắng” bán ra thị trường. Với hành vi này, bà Nguyên bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính 36,5 triệu đồng; buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Hay ngày 28.5.2020, Đội QLTT số 5 phối hợp với CA huyện Tây Sơn kiểm tra đột xuất nhà xưởng sản xuất nước yến của Công ty TNHH dịch vụ thương mại Lập Phát (địa chỉ tại huyện Tây Sơn). Qua đó phát hiện, tạm giữ gần 6.000 hũ và nguyên liệu sản xuất nước yến không rõ nguồn gốc, chất lượng. Đơn vị này sau đó bị UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính số tiền 236 triệu đồng; buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Ngoài ra, lực lượng cảnh sát kinh tế đã phát hiện, phối hợp với các ngành điều tra, xử lý 64 vụ/63 đối tượng vi phạm pháp luật về BL-GLTM-HG. Đã xử lý vi phạm hành chính 24 vụ, với tổng số tiền phạt trên 255 triệu đồng; khởi tố 8 vụ/7 bị can về tội vận chuyển, buôn bán hàng cấm. Cục Thuế tỉnh phát hiện, xử lý 193 vụ/193 đối tượng vi phạm trong kê khai, quyết toán các khoản thuế; lĩnh vực kế toán; in, phát hành, quản lý hóa đơn. Đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách nhà nước trên 12,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các ngành, đơn vị chức năng như: Cục Hải quan, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Sở Y tế… đã kiểm tra, phát hiện, xử lý hàng chục vụ vi phạm về BL-GLTM-HG với số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hàng trăm triệu đồng.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng theo BCĐ 389 tỉnh, công tác chống BL-GLTM-HG trên địa bàn tỉnh còn không ít khó khăn, tồn tại. Ông Trần Đức Tiến, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh - Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 389 tỉnh, phân tích: Một số đơn vị chức năng chưa làm tốt công tác nắm tình hình, chưa chủ động trong đấu tranh chống BL-GLTM-HG trên địa bàn phụ trách. Lực lượng trực tiếp thực hiện công tác đấu tranh với loại tội phạm này còn thiếu và các phương tiện, công cụ hỗ trợ còn thô sơ nên hiệu quả chưa cao.
Còn theo nhận định của cơ quan CA tỉnh, thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi, khó kiểm tra, phát hiện. Các chủ hàng thường thuê đối tượng có nhân thân phức tạp vận chuyển hàng hóa với hình thức “khoán gọn”. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, chúng thường phi tang vật chứng, “bỏ của chạy lấy người”. Ngoài ra, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, sở hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng chưa nhận được sự phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ từ nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu.
Theo ông Phan Cao Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng ban BCĐ 389 tỉnh: Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị thành viên BCĐ 389 tỉnh và chính quyền các cấp, lực lượng chức năng liên quan cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ. Kịp thời trao đổi thông tin nghiệp vụ để công tác chống BL-GLTM-HG trên địa bàn tỉnh phát huy hiệu quả hơn nữa.
Các sở, ngành, đơn vị, địa phương nâng cao năng lực để nhận diện phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng thực hiện hành vi BL-GLTM-HG. Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống để “đánh trúng, đánh đúng”; ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các đường dây, ổ nhóm liên quan đến loại tội phạm này.
“Ngoài những giải pháp trên, các cơ quan chức năng trong tỉnh cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, bảo vệ DN chân chính và người tiêu dùng; nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay”, ông Phan Cao Thắng nhấn mạnh.
VĂN LỰC