Chủ động ứng phó với cơn bão số 2
(BĐ) - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 2 vào đất liền nước ta, vào sáng ngày 1.8. Chủ trì cuộc họp tại đầu cầu Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, 24 giờ tới, bão số 2 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, phạm vi ảnh hưởng rất rộng kèm theo mưa lớn, nhất là ở khu vực Bắc Trung bộ và Bắc bộ. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai lưu ý có 1.642 tàu cá của ngư dân còn nằm trong vùng nguy hiểm (riêng tỉnh ta có 17 tàu cá của ngư dân ở huyện Phù Mỹ và TX Hoài Nhơn còn nằm trong vùng nguy hiểm) và nhiều công trình thủy lợi không đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa lớn. Tại nhiều địa phương vẫn còn nhiều DN, hộ gia đình đang kinh doanh, nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển và các hộ dân sinh sống ở những vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, bị triều cường.
Nhấn mạnh về diễn biến phức tạp và tác động của bão số 2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với phương châm 4 tại chỗ. Trước nhất, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia theo dõi sát diễn biến bão, thông tin kịp thời cho các bộ, ngành và địa phương để triển khai các phương án ứng phó. Các đơn vị phải nhanh chóng kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền trên biển di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời đảm bảo an toàn cho tàu thuyền của ngư dân đang neo đậu tại các địa phương. Kiên quyết sơ tán người dân đang kinh doanh, nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển và các hộ dân sinh sống ở những vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, bị triều cường đến nơi an toàn. Hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa và chủ động ứng phó với mưa bão. Bên cạnh đó, bảo vệ các công trình thủy lợi, thủy điện, hệ thống đê biển, đê sông và các công trình công cộng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành Trung ương, trong đó, Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát lại các hồ thủy lợi; Bộ Công thương chịu trách nhiệm các hồ thủy điện, hệ thống điện; Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về các công trình xây dựng; Bộ GTVT hướng dẫn đảm bảo an toàn cho phương tiện giao thông, bố trí lực lượng, phương tiện vật tư để chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn, thông suốt các tuyến giao thông; Bộ Ngoại giao chủ động phối hợp với các nước việc đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền khi ngư dân nước ta vào các nước bạn trú tránh bão. Các tỉnh, thành chỉ đạo công tác ứng phó mưa bão theo phương châm 4 tại chỗ, không để bị động, bất ngờ…
TIẾN SỸ