Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng
Ngày 1.8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1.8.1930-1.8.2020).
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên lãnh đạo Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ban Tuyên giáo Trung ương... dự lễ kỷ niệm.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đọc diễn văn kỷ niệm. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Cách đây tròn 90 năm, vào ngày 1.8.1930, nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất bản tài liệu mang tên "Ngày quốc tế đỏ 1.8."
Đây là tài liệu duy nhất và sớm nhất còn lưu giữ đến nay đề rõ "Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành."
Ngay sau khi phát hành, tài liệu đã tạo được tiếng vang lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân, có sức cổ vũ mạnh mẽ quần chúng cách mạng nước ta đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc.
Từ đó, ngày 1.8 trở thành một mốc son lịch sử, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa đối với công tác tuyên giáo của Đảng.
Từ sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị (Khóa VIII) quyết định lấy ngày 1.8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng-văn hóa của Đảng.
Năm 2007, sau khi hợp nhất Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa X) quyết định lấy ngày 1.8 hàng năm làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.
Ôn lại quá trình hình thành, phát triển của ngành, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định 90 năm qua, kể từ ngày 1.8.1930, ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo trở thành bộ phận không thể tách rời, luôn gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Những thắng lợi vĩ đại mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc đều có sự đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo của Đảng.
Ông Võ Văn Thưởng nêu rõ với vai trò là một trong những bộ phận cơ bản quan trọng của công tác xây dựng Đảng, là vũ khí sắc bén trong toàn bộ quá trình hoạt động của Đảng, công tác tuyên giáo góp phần xây dựng nền tảng chính trị của chế độ, nền tảng tinh thần của xã hội, hoạch định hệ thống quan điểm lý luận, cương lĩnh, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật của người cộng sản, bồi dưỡng lý tưởng, tình cảm cách mạng cho đông đảo quần chúng nhân dân, tạo nên sức mạnh đoàn kết, thống nhất của hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở.
"Cùng với đó, củng cố, bồi đắp niềm tin và mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, làm cho ý Đảng quyện với lòng dân, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân và những thành quả của cách mạng Việt Nam, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, để Đảng thật sự là đạo đức, là văn minh, là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân," ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Nhìn lại những đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, ôn lại chặng đường gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng vinh quang và tự hào trong 90 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, ông Võ Văn Thưởng khẳng định ôn lại chặng đường đã qua để càng trân trọng quá khứ, nâng niu những thành tựu, kết quả mà ngành Tuyên giáo đạt được, càng khắc ghi và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, người thầy vĩ đại, người khai sáng và đặt nền móng cho sự nghiệp tuyên giáo của Đảng.
"Tư tưởng của Người, mãi là ngọn đuốc soi đường để công tác tuyên giáo của Đảng không ngừng đổi mới, phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới," ông Võ Văn Thưởng khẳng định.
Đánh giá công tác tuyên giáo và ngành Tuyên giáo đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, ông Võ Văn Thưởng nêu rõ bối cảnh ấy đòi hỏi ngành Tuyên giáo phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đủ uy tín, năng lực lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ của Ngành trong tình hình mới, ông Võ Văn Thưởng yêu cầu mỗi cán bộ ngành Tuyên giáo phải ý thức rõ rằng, đối tượng của công tác tuyên giáo là con người; nội dung, phạm vi của công tác tuyên giáo trải rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần xã hội; loại hình công tác tuyên giáo phong phú và đa dạng, phương pháp công tác tuyên giáo đòi hỏi sâu sắc và tinh tế trong ứng xử, chân thành trong đối thoại, sắc bén trong đấu tranh.
Do vậy, điều này đòi hỏi mỗi cán bộ của ngành Tuyên giáo phải lao động cá nhân thật sự nghiêm túc, khoa học, vừa phải có năng lực tập hợp, kết nối các lực lượng làm công tác tuyên giáo rộng lớn và đa dạng, vừa phải biết sử dụng công nghệ và am hiểu các cung bậc cảm xúc của con người, luôn thấm nhuần sâu sắc về sứ mệnh cao cả là “đi trước, mở đường”...
"Chỉ như vậy, chúng ta mới đưa lý luận Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng thâm nhập vào quần chúng, tạo thành sức mạnh vật chất to lớn để thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng cao cả là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn," ông Võ Văn Thưởng nêu rõ.
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm đã cùng ôn lại những chặng đường đã qua, phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của ngành Tuyên giáo, bồi đắp thêm niềm tự hào về những đóng góp to lớn, có ý nghĩa lịch sử của ngành Tuyên giáo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc...
Đây cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành Tuyên giáo phấn đấu, rèn luyện, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Theo Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)