Khám phá Hải Minh
Rất nhiều du khách và cả người dân Quy Nhơn đều thấy Tượng đài Trần Hưng Ðạo trên cửa biển Quy Nhơn, nhưng chưa từng đặt chân nơi đây. Hãy đến bến Hàm Tử (phường Hải Cảng), chỉ khoảng hơn 5 phút đi đò, ngồi chưa ấm chỗ là bạn đã đến Hải Minh, nhiều điều thú vị đang chờ bạn.
Điểm đến nổi bật tại Hải Minh là Tượng đài Trần Hưng Đạo, xây dựng từ cách đây gần nửa thế kỷ (được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2007). Chậm rãi đi trên con đường bê tông uốn lượn theo sườn núi, điểm thú vị đầu tiên là bạn vừa đi vừa ngắm toàn cảnh những ngôi nhà dân, thuyền neo đậu ở vùng biển bên dưới. Sau khi chiêm bái trước Tượng đài Đức Thánh Trần, đi dạo một vòng quanh sân, bạn sẽ thấy nơi đây xứng đáng là một trong những nơi ngắm cảnh đẹp nhất ở Quy Nhơn. Đứng ở khu vực tượng đài bạn có thể bao quát cả một vùng không gian rất rộng lớn, trải dài từ khu du lịch Ghềnh Ráng đến tận khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn, vắt qua Cảng Quy Nhơn và xa hơn là cầu Thị Nại...
Từ Tượng đài Trần Hưng Đạo có thể ngắm toàn cảnh Hải Minh.
Trên con đường bê tông đi lên Tượng đài Trần Hưng Đạo, nhìn bên tay trái có một con đường đất nhỏ với cây cối um tùm hai bên, đi theo con đường này xuống thấp dần về phía biển, bãi Rạng hiện ra trước mắt. Bãi biển có chiều dài chưa đến 100 m, nhưng tuyệt đẹp với vẻ nguyên sơ, nước xanh trong thăm thẳm. Ngay giữa và hai bên bãi biển có những tảng đá, gành đá lớn để khách chụp những tấm ảnh lưu niệm ấn tượng. Quan sát kỹ trên một gành đá lớn, sẽ phát hiện “ghế VIP” là một khoảng trống lõm vào trong vách đá như chiếc ghế bành cho người lớn ngồi thoải mái (cách mặt đất khoảng 1 m), có mái che bằng đá nên mát rượi giữa trời nắng. Thật sảng khoái khi ngồi trên “ghế Vip” này ngắm biển xanh bao la trước mặt, nghe tiếng sóng vỗ rì rầm.
Biển bãi Rạng.
Bãi Rạng được chặn ở đoạn cuối bởi một gành đá cao khoảng 4 - 5 m (về hướng trung tâm TP Quy Nhơn). Đừng vội quay đi, bạn chịu khó leo qua gành đá này sẽ khám phá điều kỳ thú, với cái hang nằm giữa hai gành đá, phía trước có một bãi cát nhỏ, nước biển chảy vào phía trước bãi cát tạo thành vũng nước rất trong. Người dân địa phương gọi nơi này là hang Dơi, bởi trước đây có rất nhiều dơi sinh sống. Lối vào hang Dơi đầy vẻ bí ẩn, xuyên giữa hai khối đá khổng lồ, khối bên trái màu đen sần sùi còn khối bên phải lại trơn nhẵn với các màu đỏ, hồng, vàng.
Từ trong hang Dơi nhìn ra biển.
Đi một mình vào buổi trưa vắng vẻ, tôi thoáng chút ngần ngừ trước cửa hang, cứ tưởng tượng mình chui vào thì có đàn dơi khủng lao ra... Hít một hơi thật sâu trấn tĩnh, tôi đi qua cửa xéo để vào hang, bao e ngại tan biến khi trong hang khá rộng thoáng, mát mẻ, có thể chứa được cả chục người, lại không còn chút mùi hôi gì của dơi.
Cửa hang Dơi có một bãi cát nhỏ. Những người cao tuổi ở địa phương cho biết đoạn cuối hang hiện nay do cát lấp, chứ xưa kia hang hun hút sâu vào trong lòng núi... Cùng với bãi Rạng, tại Hải Minh còn có nhiều bãi biển tuy nhỏ nhưng rất đẹp và nguyên sơ đủ để bạn khi đến nơi có cảm giác mình như Robinson Crusoe.
Nếu muốn tìm hiểu nhiều hơn nữa về Hải Minh, bạn có thể đi đến những địa điểm, dấu tích còn lại của di tích lịch sử quốc gia Bãi Nhạn - Núi Tam Tòa gắn với nhiều sự kiện lịch sử bi hùng qua các triều đại. Đối với những người thích môn thể thao hiking (đi bộ đường dài để rèn luyện sức khỏe và ngắm cảnh thiên nhiên, thường là theo con đường mòn ở khu vực đồi núi…) thì Lũy đá cổ Phương Mai là một điểm đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Lũy đá cổ Phương Mai đã tồn tại hơn 200 năm (được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2010). Công trình cho thấy người xưa đã hết sức công phu sắp xếp các khối đá đủ kích cỡ để tạo thành bờ lũy rất dài ở trên núi cao (khi khảo sát xếp hạng di tích, đã đo được chiều cao bờ lũy từ 1,5 m đến gần 2 m, bề mặt rộng 1,2 m và đáy rộng 2 m). Người dân địa phương cho biết, hiện cây cối đã che lấp nhiều đoạn lũy, có chỗ phải đi đường vòng để vượt qua, nên cần có người rành đường đi cùng, chứ không bạn sẽ tốn nhiều sức lực mà “đi hoài không tới”.
HOÀI THU