Phát triển nghề công tác xã hội
Công tác xã hội là nghề giúp người khó khăn, đối tượng yếu thế trong xã hội bảo vệ quyền lợi thông qua việc tư vấn, hỗ trợ tư pháp, tâm lý, giới thiệu, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp. Phát triển nghề này là điều cần thiết nhằm đảm bảo an sinh xã hội.
Đề án phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2010 - 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt với hai mục tiêu cụ thể. Theo đó, giai đoạn 2010 - 2015 chú trọng việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề; xây dựng hành lang pháp lý cùng các tiêu chuẩn nghề nghiệp, đạo đức người làm nghề; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ. Giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục hoàn chỉnh các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn nghiệp vụ; đẩy mạnh đào tạo, phát triển đội ngũ; tiếp tục nâng cao nhận thức của xã hội về nghề.
Chuẩn hóa đội ngũ
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, tính đến tháng 7.2020, toàn tỉnh có 149 cộng tác viên CTXH cấp xã và hơn 10 cán bộ CTXH đang làm việc tại các trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc Sở. Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH chú trọng và quan tâm bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng nghề cho đội ngũ này. Hằng năm, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, website, pa nô, tờ rơi tuyên truyền, các buổi sinh hoạt, hội họp, tập huấn, hội thảo, Sở truyền thông về hoạt động CTXH trong các đơn vị trực thuộc để người dân biết và tiếp cận khi có nhu cầu.
Chuyên viên Trung tâm CTXH và Bảo trợ xã hội tỉnh tư vấn người cao tuổi neo đơn, hộ nghèo của huyện Tuy Phước về thủ tục vào Trung tâm.
Sở đã phối hợp với Trường CĐ Bình Định tổ chức đào tạo lớp trung cấp CTXH hệ vừa học vừa làm (niên khóa 2017 - 2019) cho 13 học viên. Mỗi năm, Sở mở lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ trợ giúp người khuyết tật, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội và lồng ghép nội dung CTXH vào để mọi người hiểu rõ, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau phối hợp với đội ngũ cộng tác viên CTXH ở cơ sở làm tốt việc giúp đỡ người khó khăn, yếu thế.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, Sở đang phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, kiện toàn, củng cố và ổn định vị trí công tác đối với những cán bộ, công chức, viên chức đang đảm nhận công việc có liên quan đến CTXH thuộc các cơ sở bảo trợ xã hội trong tỉnh.
“Định hướng phát triển nghề giai đoạn 2021 - 2030 chỉ rõ việc cần thiết phải duy trì đội ngũ này và sẽ nâng mức hỗ trợ ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng hoặc bằng 1,0 lần lương tối thiểu chung. Sở cũng sẽ hướng dẫn việc áp dụng quy định trợ cấp, phụ cấp đối với công chức, viên chức và người lao động làm CTXH tại các cơ sở cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập”, ông Hùng trao đổi.
“Hãy đến với chúng tôi”
Đây là lời nhắn nhủ của các cán bộ, cộng tác viên CTXH muốn thông qua Báo Bình Định gửi đến các đối tượng yếu thế đang gặp khó khăn trong toàn tỉnh. Sự giúp đỡ, hỗ trợ ở đây rất tận tình và hoàn toàn miễn phí, trên tinh thần giải quyết thỏa đáng nhất khó khăn, vướng mắc của đối tượng yếu thế trong xã hội. Về Trung tâm CTXH và Bảo trợ xã hội tỉnh, chuyện trò với các chuyên viên Phòng Tư vấn và Trợ giúp đối tượng, mới thấy hết ý nghĩa, sự cần thiết và cả sự vất vả của nghề. Rất nhiều câu chuyện được các chuyên viên Trung tâm kể lại, trong số đó, không ít lần họ phải chủ động tìm đến người khó khăn.
Phòng Tư vấn và Trợ giúp đối tượng thuộc Trung tâm CTXH và Bảo trợ xã hội tỉnh: Ðịa chỉ: số 78 Ngô Ðức Ðệ, phường Bình Ðịnh, TX An Nhơn. Số điện thoại đường dây nóng: 0392334415 (gặp bà Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm kiêm Trưởng phòng).
Bà Hà Thị Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm kiêm Trưởng phòng Tư vấn và Trợ giúp đối tượng cho biết, những ngày qua, đọc Báo Bình Định biết về vụ hiếp dâm trẻ em ở huyện Tuy Phước, lòng bà buồn rười rượi. “Vụ việc làm tôi nhớ lại cuộc điện thoại gọi đến Trung tâm từ một người cha có cô con gái nhỏ bị hiếp dâm cách đây gần 1 năm. Khi tiếp cận với gia đình, tôi đã bị một số người thân khác từ chối, thậm chí bất hợp tác một cách rất phũ phàng. Dù vậy, sau tất cả nỗ lực, cố gắng, cuối cùng gia đình ấy cũng đã vượt qua cú sốc. Cô bé tội nghiệp ấy cũng đã ổn định tinh thần, tâm lý, kẻ gây ra tội ác cũng đã phải đền tội. Tôi nhớ hoài ánh mắt của người cha khi nói lời cảm ơn tôi và các đồng nghiệp. Ông bảo, trong giai đoạn khó khăn nhất, nếu không có sự tư vấn, hỗ trợ, thậm chí là can thiệp với chính quyền địa phương của tôi và các anh em trong Phòng, cộng tác viên CTXH tại địa phương thì không biết mọi việc có được như bây giờ không”, bà Hiếu trò chuyện.
Xác định CTXH là nghề đầy thử thách nên dù được đào tạo bài bản và có gần chục năm gắn bó với nghề, anh Nguyễn Minh Phát, chuyên viên Phòng Tư vấn và Trợ giúp đối tượng thuộc Trung tâm CTXH và Bảo trợ xã hội tỉnh vẫn không ngừng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, làm giàu vốn sống, tìm hiểu cả khía cạnh tâm lý, hành vi ứng xử giữa người với người...
“Vậy thì mới mong đáp ứng được yêu cầu của nghề này. Trong khả năng của mình, tôi và đồng nghiệp luôn cố gắng hết sức có thể. Mọi người hãy mạnh dạn liên hệ hoặc nếu biết những hoàn cảnh khó khăn thì hãy giới thiệu họ đến với chúng tôi”, anh Phát nhắn nhủ.
NGỌC TÚ