Công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh: Cần chặt chẽ, hiệu quả hơn
Từ đầu năm đến nay, tại một số địa phương trong tỉnh, số vụ cháy rừng lẫn số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đều tăng. Ðiều này cho thấy những vấn đề hạn chế cần khắc phục trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp xảy ra nhiều ở các địa phương. Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện An Lão phối hợp ngành chức năng huyện, xã tổ chức 109 đợt tuần tra bảo vệ rừng (BVR), kiểm soát lâm sản, phát hiện 40 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; trong đó có 3 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật, 1 vụ phá rừng với diện tích 0,04 ha. Ngành chức năng đã xử lý 34/40 vụ. Theo ông Tạ Anh Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, phần lớn diện tích rừng tự nhiên của huyện giáp ranh với tỉnh Gia Lai, Quảng Ngãi nên hoạt động tuần tra BVR gặp nhiều khó khăn; trong khi đó, nhận thức của một số người là dân tộc thiểu số sống gần rừng còn hạn chế, nên tình trạng phá rừng làm nương rẫy vẫn còn xảy ra.
Lực lượng kiểm lâm huyện Hoài Ân tuần tra bảo vệ rừng.
Tại huyện Hoài Ân, qua công tác tuần tra BVR, ngành chức năng huyện và chính quyền các xã đã phát hiện 28 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm trước; xử phạt và thu nộp ngân sách gần 190 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Hòa, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, cho biết: “Tuy các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp gia tăng, nhưng quy mô, diện tích vi phạm giảm, được phát hiện, xử lý kịp thời nên không phát sinh điểm nóng”.
Ở huyện Tây Sơn, cuối tháng 7.2020, xảy ra vụ phá rừng sản xuất tại khoảnh 2, 3, tiểu khu 235, thuộc xã Tây Thuận, với diện tích thiệt hại 1.174 m2 thuộc dự án KfW6 được giao cho UBND xã và người dân quản lý. Ông Sử Thành Nhơn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, cho hay: “Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, đơn vị đang phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng huyện khẩn trương điều tra, truy tìm đối tượng phá rừng tại xã Tây Thuận để xử lý theo luật định”.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) Lê Đức Sáu cho biết: Chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp với các chủ rừng, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng. Tăng cường lực lượng tuần tra, chốt chặn, truy quét BVR để ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Theo Chi cục Kiểm lâm, từ đầu năm đến nay, cả tỉnh xảy ra 13 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích 3,36ha. Ngành Kiểm lâm đã xử lý 8/13 vụ phá rừng, các vụ còn lại đang điều tra. Ngoài ra, đã xử lý 6/10 vụ khai thác rừng trái pháp luật, 169 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật, thu nộp ngân sách hơn 1,55 tỷ đồng…
Ngoài việc lập các chốt, trạm, Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân bố trí kiểm lâm địa bàn phối hợp lực lượng chức năng huyện, xã túc trực tuần tra BVR. Đối với Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, thời gian tới đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về BVR và PCCC rừng; tăng cường lực lượng phối hợp các chủ rừng, các địa phương tuần tra, truy quét BVR. Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn phối hợp với các chủ rừng, tổ cộng đồng dân cư nhận khoán BVR tại các địa phương, tăng cường tuần tra BVR tại các điểm nóng có nguy cơ cháy rừng, phá rừng.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác BVR và PCCC rừng trên địa bàn tỉnh, trao đổi với PV Báo Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu nhấn mạnh: “Công tác BVR là nhiệm vụ thường xuyên cần phải chú trọng triển khai thực hiện. Các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương bám sát những nội dung đã chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai các biện pháp quản lý, BVR, nhất là PCCC rừng; chú trọng công tác phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và UBND cấp xã trong việc triển khai lực lượng tuần tra, truy quét BVR. Nếu địa phương nào để xảy ra cháy rừng, phá rừng trái pháp luật thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN