Nhiều hợp tác xã “mở lối” ứng dụng khoa học kỹ thuật
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, nhiều HTX đã từng bước đẩy mạnh ứng dụng KHKT trong sản xuất, phát triển các sản phẩm nông nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Theo Liên minh HTX tỉnh, từ đầu năm đến nay, có 16 HTX mới thành lập, nâng tổng số lên 224 HTX trong toàn tỉnh. So với những năm trước đây, hiện ngày càng nhiều HTX từng bước đầu tư ứng dụng KHKT trong sản xuất, liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các DN trong và ngoài tỉnh, góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên, nông dân.
Cùng với việc vận động thành viên, nông dân chuyển đổi một số diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phụng, mè hay liên kết với DN ngoài tỉnh thực hiện mô hình trồng bắp ngọt, đầu năm 2020, HTXNN Thượng Giang (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) đầu tư gần 500 triệu đồng trang bị dây chuyền ép dầu mè, dầu phụng tự động với công suất ép từ 2 - 2,5 tấn/ngày.
Dây chuyền ép dầu phụng, dầu mè của HTXNN Thượng Giang.
Ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTXNN Thượng Giang, cho biết: “Sắp tới, HTX sẽ liên kết với thành viên, nông dân sản xuất mỗi năm 3 vụ đậu phụng, bắp ngọt, mè. Trước mắt, HTX chỉ gia công ép dầu cho bà con nông dân và đang xây dựng mã vạch truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm tinh dầu phụng, dầu mè, nhãn hiệu, bao bì để tạo ra sản phẩm riêng của HTX. Sau này, HTX sẽ mua gom nguyên liệu của thành viên, nông dân để sản xuất sản phẩm tinh dầu phụng, dầu mè cung ứng ra thị trường”.
Tháng 3.2020, HTX Nông công thương An Nhơn (xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn) được thành lập, xác định hướng sản xuất sản phẩm chính là tinh dầu sả, nước rửa chén, nước lau sàn từ tinh dầu sả. HTX đã đầu tư dây chuyền tự động ép tinh dầu sả với tổng chi phí hơn 300 triệu đồng; hỗ trợ giống sả, phân bón cho nông dân xã Nhơn Mỹ để liên kết trồng 5 ha sả, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất. Đồng thời, liên kết với các DN ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm.
Dây chuyền ép tinh dầu sả của HTX Nông công thương An Nhơn.
Bà Lê Thị Nguyệt, Giám đốc HTX Nông công thương An Nhơn, cho hay: “Hiện tại, HTX sản xuất thử nghiệm 2 dòng sản phẩm là tinh dầu sả java, tinh dầu sả chanh với công suất 1 tấn lá sả ép được 8 lít sả chanh, 4 lít sả java. Do nguyên liệu không đủ sản xuất, nên HTX đang liên kết với nông dân trong thị xã để trồng 50 ha sả, sau đó sẽ mở rộng diện tích lên 100 ha để có đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất. Chúng tôi cũng đang làm hồ sơ để được chứng nhận mã vạch truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn mác, bao bì sản phẩm hướng đến cung ứng ra thị trường vào cuối năm nay”.
Tháng 6.2020, HTX Sản xuất và thương mại thực phẩm bánh, bún An Thái (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) được thành lập. HTX đang đầu tư dây chuyền tự động sản xuất bún khô, phở khô, bún tươi dạng khô, phở tươi dạng khô, bánh tráng mè trắng, bánh tráng mè đen, bún Song Thằn… với công suất ban đầu 1 tấn bún, bánh/ngày; cùng nhà sấy bánh, phơi bánh dùng năng lượng mặt trời. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc HTX Sản xuất và thương mại thực phẩm bánh, bún An Thái, HTX đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng, máy móc để đưa vào sản xuất; đồng thời xây dựng nhãn mác, bao bì sản phẩm. Về lâu dài, HTX sẽ liên kết với bà con làng nghề bún, bánh An Thái để tạo ra các sản phẩm bún, bánh chất lượng, tăng giá trị kinh tế, hướng đến xuất khẩu.
Ông Phạm Văn Thụy, Trưởng phòng Kinh tế - Chính sách (Liên minh HTX tỉnh), cho biết: Nhiều HTX mới thành lập đã xác định hướng đi ứng dụng KHKT tạo ra các sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần “mở lối” để nhân rộng, phát triển cho các HTX khác trong tỉnh. Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp các sở, ngành của tỉnh, các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, chuyển giao các tiến bộ KHKT, mô hình sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ mới đến các HTX; đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ vốn vay, đào tạo nghề, xúc tiến thương mại… Qua đó, góp phần giúp các HTX nâng cao hiệu quả sản xuất theo chuỗi giá trị.
ĐOAN NGỌC - QUANG BẢO