CHÀO MỪNG ÐẠI HỘI ÐẠI BIỂU ÐẢNG BỘ HUYỆN VĨNH THẠNH LẦN THỨ XVIII, NHIỆM KỲ 2020 - 2025
Sức sống mới Vĩnh Thạnh
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ðảng bộ huyện Vĩnh Thạnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, huy động nội lực và tranh thủ ngoại lực; lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ huyện lần thứ XVII đề ra. Nhờ vậy, KT-XH của huyện có mức tăng trưởng khá, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Nuôi cá nước ngọt trên lòng hồ Định Bình. Ảnh: LONG VŨ
Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng là nền tảng
Trong nhiệm kỳ qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả rất khả quan. Giá trị tổng sản phẩm địa phương trên địa bàn huyện tăng bình quân 14,6%/năm (nghị quyết 14,5%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông - lâm - thủy sản và tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6,4%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 30,7 triệu đồng/người/năm. Diện mạo nông thôn, miền núi có nhiều khởi sắc.
“Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, những thắng lợi trong phát triển KT-XH đã tạo dấu ấn tốt đẹp về sự chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Từ đó, tạo tiền đề vững chắc cho Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong huyện gặt hái những thành công mới trong nhiệm kỳ tiếp theo”.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh LÊ VĂN ĐẨU
Theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Đẩu, điểm nổi bật đáng ghi nhận trong nhiệm kỳ qua là cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được địa phương quan tâm đầu tư khá hoàn thiện, tạo “đòn bẩy” để phát triển KT-XH. Từ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện, trong 5 năm qua, huyện đã đầu tư xây dựng 540 công trình với tổng kinh phí hơn 673 tỷ đồng. Nhiều công trình thiết yếu hoàn thành và đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả thiết thực, như: Chỉnh trang khu Trung tâm hành chính huyện, tuyến ĐH 47 từ trung tâm huyện đi xã Vĩnh Thuận, tuyến ĐT 637 đoạn qua xã Vĩnh Sơn, cùng hàng chục công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng…
Đến nay, hệ thống đường giao thông nông thôn từ huyện xuống xã, từ xã xuống thôn cơ bản đã được bê tông hóa và cứng hóa, đảm bảo giao thông thông suốt 4 mùa. Hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng bê tông hóa đạt hơn 70%. 59 thôn trên địa bàn huyện đã được xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kiên cố, khang trang; hệ thống trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng đạt chuẩn. Hệ thống điện, nước sinh hoạt được đầu tư nâng cấp và mở rộng, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Hiện, tỷ lệ gia đình sử dụng điện sinh hoạt trên địa bàn huyện đạt 99,5%, tỷ lệ dân số dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%.
Tạo sức bật mới
Nhờ quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trong nhiệm kỳ qua, huyện Vĩnh Thạnh đã tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Nổi bật là huyện đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, đưa các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao; điển hình như mô hình trồng rau an toàn, hoa ôn đới, cây dược liệu, mây nước, sâm dây... với diện tích sản xuất gần 10 ha tại xã vùng cao Vĩnh Sơn.
Đặc biệt, địa phương đã tận dụng mặt nước của lòng hồ chứa nước Định Bình để phát triển nuôi cá nước ngọt, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Theo ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, đến nay, toàn huyện có gần 82 ha mặt nước nuôi cá nước ngọt. Riêng nghề nuôi cá lồng trên hồ Định Bình đã có 29 hộ dân ở thị trấn Vĩnh Thạnh và các xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thịnh… tham gia với số lượng 350 lồng; sản lượng đạt trung bình hơn 450 tấn cá/năm; thu nhập của người nuôi cá đạt bình quân từ 80 - 100 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh đó, chú trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, huyện đã tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp Tà Súc (xã Vĩnh Quang). Theo Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vĩnh Thạnh Lê Văn Đính, với tổng diện tích 36 ha, đến nay, Cụm công nghiệp Tà Súc đã thu hút được 12 DN vào đầu tư, với diện tích thuê đất 21,36 ha. Trong đó, 7 DN đã hoàn thành việc đầu tư nhà xưởng, cơ sở sản xuất và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Trong năm 2019, các DN trong cụm đã đạt mức doanh thu gần 362 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 26 tỷ đồng. “Nhờ hoạt động hiệu quả nên các DN đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động tại địa phương, với mức lương trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng”, ông Đính cho hay.
NGUYỄN HÂN