CHÀO MỪNG ÐẠI HỘI ÐẠI BIỂU ÐẢNG BỘ HUYỆN VĨNH THẠNH LẦN THỨ XVIII, NHIỆM KỲ 2020 - 2025
Tạo đột phá, vững bước đi lên
Đồng chí Hồ Xuân Ánh. Ảnh: N.V.T
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ðảng bộ huyện Vĩnh Thạnh xác định cần tập trung phát huy nội lực đi đôi với tranh thủ tối đa các nguồn ngoại lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế; xây dựng huyện phát triển nhanh, bền vững.
Theo Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh Hồ Xuân Ánh, để đạt được mục tiêu đó, Đảng bộ huyện sẽ dồn lực cho 3 khâu đột phá: Tập trung rà soát, điều chỉnh, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế của huyện và quy hoạch phát triển kinh tế vùng trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng dịch vụ - du lịch. Thực hiện hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển kinh tế của huyện, đáp ứng nhu cầu phát triển.
● Công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng, luôn đi trước một bước, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế. Cụ thể, tới đây công tác quy hoạch của huyện Vĩnh Thạnh sẽ được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
- Huyện sẽ rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế phù hợp với từng giai đoạn, trên cơ sở quy hoạch chi tiết ngành, lĩnh vực phát triển. Theo đó, sẽ quy hoạch phát triển kinh tế theo 2 vùng.
Thứ nhất, vùng các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim sẽ phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng cao. Hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả và rau, hoa ôn đới; quản lý, gây trồng và khai thác có hiệu quả tiềm năng dưới tán rừng tự nhiên. Mở rộng quy mô lồng bè nuôi cá tại các ao hồ thủy lợi, thủy điện gắn với phát triển du lịch. Ưu tiên đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng; nhấn mạnh vào cả 3 yếu tố là môi trường, du lịch và cộng đồng; bảo tồn, khai thác có hiệu quả văn hóa truyền thống của người Bana.
Trung tâm huyện Vĩnh Thạnh hôm nay. Ảnh: LONG VŨ
Thứ hai, với vùng các xã, thị trấn còn lại, nhiệm vụ phát triển kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; quy hoạch vùng chuyên canh tập trung; phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch nghỉ dưỡng gắn với các di tích lịch sử. Trong công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến các mặt hàng nông - lâm sản. Quan tâm đến trồng rừng phòng hộ và rừng sản xuất, trồng rừng cảnh quan; phát triển chăn nuôi gia trại, nuôi trồng và khai thác thủy sản trong khu vực lòng hồ thủy lợi, thủy điện.
● Với khâu đột phá thứ hai, liên quan đến đầu tư hạ tầng, xin đồng chí thông tin thêm về những công trình trọng điểm trong giai đoạn 2020 - 2025?
- Huyện sẽ tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng KT-XH, tập trung đầu tư các công trình trọng điểm như: Nâng cấp, mở rộng tuyến đường ven hồ Định Bình; xây dựng cầu qua sông Kôn (xã Vĩnh Quang - Vĩnh Hòa), khu du lịch sinh thái hồ Định Bình và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, chỉnh trang khu Trung tâm hành chính huyện, xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng đồi Lâm Viên, tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh; quy hoạch và đầu tư xây dựng các thôn, làng, khu phố có nhà văn hóa, các xã, thị trấn có khu sinh hoạt văn hóa, sân bãi hoạt động TDTT, xây dựng khu trung tâm văn hóa và hoàn thiện khu thể thao huyện đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp chợ Định Bình trở thành trung tâm thương mại theo hướng văn minh, hiện đại và các chợ ở một số xã miền núi.
Đáng chú ý, sẽ mở rộng quy hoạch, kêu gọi xúc tiến đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Vĩnh Sơn, các điểm di tích vườn cam Nguyễn Huệ, thành đá Tà Kơn. Quy hoạch, phát triển làng nghề tráng bánh, nấu rượu, đan lát, dệt thổ cẩm phục vụ khách du lịch. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh, dịch vụ đúng pháp luật, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường.
Cơ sở hạ tầng ở huyện Vĩnh Thạnh ngày càng khang trang. Ảnh: LONG VŨ
● Cán bộ là gốc của mọi công việc. Để thúc đẩy phát triển KT-XH của huyện trong thời gian đến, yêu cầu quan trọng là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy vai trò “đầu tàu” của đội ngũ cán bộ các cấp...
- Đúng vậy. Chúng tôi sẽ chú trọng thực hiện hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển kinh tế của huyện và đáp ứng nhu cầu thực tiễn đời sống. Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ về số lượng và đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ; chú trọng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đồng thời, đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát cũng góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Huyện ủy sẽ chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu tổ chức đảng, các cơ quan chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao và việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, được dư luận quan tâm.
● Xin cảm ơn đồng chí!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)