Cảnh giác với tội phạm mạng
Với các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo qua mạng, nhiều người vì cả tin nên đã trở thành nạn nhân của loại tội phạm này.
Thông qua mạng xã hội, tội phạm công nghệ đã đánh vào tâm lý cả tin của người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Sau khi xác nhận xong mật khẩu tài khoản với người xưng là nhân viên ngân hàng, thì số tiền 20 triệu đồng trong tài khoản của chị H.M. (huyện Tây Sơn) bị bốc hơi. Chị M. cho biết, hôm đó, chị nhận được thông báo xin số tài khoản ngân hàng của chị trên tin nhắn qua facebook để họ gửi tiền trúng thưởng và đối tượng gửi cho chị một đường link đăng nhập trang web ngân hàng để xác thực. Làm theo và chị nhận được thông báo mật khẩu OTP (viết tắt của từ “One Time Password” có nghĩa là mật khẩu dùng một lần) từ đường link này và lúc này đối tượng gọi điện xưng là nhân viên ngân hàng, xin số OTP để làm thủ tục chuyển tiền và chị M. đã cả tin cung cấp nên đã mất tiền oan.
Một vụ khác, cuối tháng 6 vừa qua, chị N.N.V. (huyện Tây Sơn) nhận cuộc gọi từ số thuê bao lạ xưng là cán bộ CA TP Hà Nội và thông báo chị V. đã cấu kết với một số đối tượng khác để mua bán trái phép chất ma túy trên địa bàn TP Hà Nội và yêu cầu chị V. ra Hà Nội để phục vụ điều tra. Chị V. từ chối không đi thì người này tiếp tục gửi “Lệnh triệu tập” và “Lệnh bắt giữ” qua tin nhắn facebook cho chị V. Dù khẳng định mình không liên quan gì nhưng vì quá sợ hãi nên chị V. đã làm theo yêu cầu của đối tượng này là chuyển 50 triệu đồng để “làm tin” và tất nhiên số tiền này cũng “không cánh mà bay”.
Hay như trước đó, anh T.M.H. (cùng ở Tây Sơn) nhận được tin nhắn qua facebook dưới địa chỉ của em gái mình, nói chuyển gấp 3 triệu đồng vào tài khoản của một người khác vì có việc đột xuất, mà trong thẻ lại không đủ tiền. Anh H. vô tư chuyển tiền mà không hề điện thoại hỏi em mình để xác minh. Sau đó, anh H. thấy nghi ngờ mới gọi lại và tá hỏa khi biết em gái mình không hề nhờ chuyển tiền.
Ngoài những phương thức và thủ đoạn trên, tội phạm còn đóng giả người nước ngoài rồi làm quen và ngỏ ý gửi tặng quà có giá trị lớn. Khi bị hại đồng ý thì đối tượng sẽ xin thông tin của bị hại, vài ngày sau có người tự xưng là nhân viên giao hàng hoặc nhân viên sân bay, hải quan gọi điện yêu cầu bị hại phải đóng tiền phí rồi mới nhận được quà, tiền gửi. Thậm chí, đối tượng còn mời chào bị hại làm cộng tác viên kinh doanh bán hàng online và tổ chức hội nghị tôn vinh người bán hàng đạt doanh thu cao. Sau đó chúng đưa ra các hình thức chiết khấu cao nếu mua số lượng lớn hoặc giả làm người mua đặt hàng số lượng lớn để bị hại dồn tiền vào mua hàng, lúc này đối tượng chiếm đoạt tài sản và cắt liên lạc.
Mặc dù thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng vẫn có nhiều người mất cảnh giác. Thượng tá Ngô Cự Vinh, Trưởng CA huyện Tây Sơn, cho biết từ đầu năm đến nay, Tây Sơn đã xảy ra 8 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó đối tượng sử dụng các trang mạng xã hội zalo, facebook, tin nhắn điện thoại, gọi điện thoại cung cấp thông tin gian dối để lừa gạt bị hại chuyển tiền hoặc mua thẻ cào…
“Để không bị mắc bẫy, người dân tuyệt đối không nên thực hiện các yêu cầu và hướng dẫn của đối tượng như: Bấm phím số trên máy điện thoại, xác minh số điện thoại, đường link... và tuyệt đối không chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng theo yêu cầu của đối tượng. Khi nhận được những thông tin như có người lạ hứa gửi, cho nhiều tiền, quà hoặc yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để phục vụ điều tra thì nên thận trọng báo cáo lại với cơ quan CA”, thượng tá Vinh khuyến cáo.
K.ANH