Những tư liệu quý về gốm cổ Champa
Sách “Nghìn năm gốm cổ Champa” của GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung và TS Nguyễn Anh Thư, do Công ty Tri thức văn hóa Sách Việt Nam phối hợp với NXB Văn hóa Dân tộc ấn hành.
Sách dày 312 trang, gồm 3 chương: Một số vấn đề nghiên cứu đồ gốm Champa thế kỷ I - X, Sản phẩm và kỹ thuật sản xuất gốm cổ Champa, Một số vấn đề KT-XH Champa qua nghiên cứu đồ gốm. Ðồng thời, ở mỗi chương lại bao gồm những vấn đề khác nhau về gốm cổ Champa. Theo đó, ở chương I là 3 vấn đề trọng tâm: “Một số phương pháp và lý thuyết tiếp cận trong nghiên cứu đồ gốm”; “Xu hướng diễn giải, thành tựu và vấn đề nghiên cứu gốm cổ Việt Nam và Ðông Nam Á”; “Tình hình nghiên cứu đồ gốm Champa 10 thế kỷ đầu Công nguyên”. Trong khi đó, ở chương 2 gồm có 4 vấn đề trọng tâm, như: “Những yếu tố tự nhiên, xã hội ảnh hưởng đến nghề gốm Champa”; “Ðặc trưng gốm cổ Champa”; “Nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất gốm cổ Champa qua so sánh tài liệu cổ và tài liệu dân tộc học”; “Sản phẩm và kỹ thuật sản xuất đồ gốm Champa qua so sánh đồng đại và lịch đại”. Còn ở chương III là 3 vấn đề: “Vai trò của đồ gốm trong đời sống vật chất và tinh thần của cư dân”; “Mức độ chuyên môn hóa trong sản xuất đồ gốm phản ánh những biến đổi trong cơ cấu, quan hệ xã hội”; “Vai trò và tác động của tiếp xúc, tiếp biến văn hóa trong sản xuất và phân phối đồ gốm”.
Với “Nghìn năm gốm cổ Champa”, các tác giả đã cung cấp nhiều tư liệu quý về gốm Champa trong suốt 1.000 năm lịch sử, đồng thời phân tích ảnh hưởng của các mối quan hệ tiếp xúc, giao lưu văn hóa đối với sản xuất và buôn bán đồ gốm Champa trong 10 thế kỷ qua. Bên cạnh đó, 2 tác giả còn đi sâu phân tích, làm rõ một số vấn đề liên quan đến đời sống KT-XH của cư dân giai đoạn hình thành và phát triển nhà nước ở khu vực miền Trung Việt Nam trong suốt thiên niên kỷ I... Ðáng lưu ý, sách “Nghìn năm gốm cổ Champa” đã giới thiệu khá nhiều tư liệu, hình ảnh quý về gốm cổ Champa, trong đó có nhiều hiện vật được khai quật, phát hiện tại địa bàn tỉnh Bình Ðịnh.
VIẾT HIỀN