Chuyện nghề sửa chân vịt tàu cá
Nghề sửa chân vịt tàu cá (còn gọi là nghề ép chóng, sửa chóng, đập tai chân vịt) gắn bó với ngư dân đã lâu đời. Dù xã hội phát triển, thiết bị, công nghệ hiện đại hơn rất nhiều, nhưng nghề vẫn có đất sống.
Chân vịt đều, tàu lướt êm
Ông Đoàn Công Hoan, ở xã Cát Tiến (huyện Phù Cát), chủ tàu cá BĐ 93510-TS, cho biết: “Tàu cá trong quá trình hoạt động trên biển có lúc va vào đá ngầm, mắc cạn tại các vùng đầm, bãi bồi khiến chân vịt tàu cá bị hư hỏng, vì vậy cần phải sửa chữa lại để đảm bảo tàu chạy êm, lợi dầu”. Theo lời giới thiệu của ông Hoan, tôi đến các triền đà của Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (thuộc Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn) gặp ông Lâm Thành Nhân, một thợ sửa chóng nổi tiếng quê ở Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Thợ sửa chóng phải dùng búa thủy lực để cân chỉnh lại chân vịt cỡ lớn.
Đã 70 tuổi nhưng trông ông Nhân vẫn còn rất khỏe, đôi tay chắc nịch xoay chiếc chân vịt đường kính hơn 2 m của một tàu cá vỏ thép đều từng vòng một để “chẩn bệnh”. Chỉ với một thước đo, một sợi dây ny lông mảnh, một móc hình chữC bằng cọng dây đồng, ông Nhân tiến hành xác định, đánh dấu vị trí những chỗ bị vênh, rồi dùng cùm có 2 đầu búa thủy lực kẹp vào để uốn, nén lại các tai. Chiếc chân vịt cỡ lớn xoay tròn trên trục láp, dưới đôi tay khéo léo của ông Nhân được cân chỉnh lại tỉ mỉ đến từng ly.
Vừa làm, ông Nhân vừa nói: “Trước đây, tôi là chủ tàu cá, mỗi lần tàu bị hỏng chân vịt thì phải tháo mang ra Đà Nẵng để ép. Đi lại cách rách quá nên tôi học lóm cách họ làm để tự sửa. Tự sửa chân vịt cho tàu của mình được một thời gian, nhiều chủ tàu quen nhờ tôi gõ dùm. Rồi tôi chính thức bước chân vào nghề sau khi bán tàu. Tùy theo kích cỡ chân vịt mà tôi tính tiền công, có khi 200 - 300 nghìn đồng, với tai lớn hơn tôi tính công từ 1 triệu đến vài triệu đồng cho mỗi lần sửa. Có người bảo, gõ có mấy gõ mà lấy tiền triệu, tôi cười biết họ trêu mình thôi. Gõ một gõ mà tiết kiệm được mấy trăm lít dầu, đáng quá đi chớ!”.
Các tai chân vịt tàu phải đều, có vậy độ bám nước mới cao, tàu lướt đi mới êm, tiết kiệm được dầu. Lệch một ly thôi nhưng với chu kỳ vài nghìn vòng quay một phút chẳng hạn, chân vịt sẽ giật, lực đẩy sẽ kém. Ngày trước, chân vịt tàu cá cỡ lớn nhất cũng chỉ 1,1 m đường kính, việc cân chỉnh lại chủ yếu sử dụng búa để gõ. Giờ đây có cái lên đến 2,7 m, với nhiều loại 3 tai, 4 tai, 5 tai. Để chỉnh sửa những chân vịt khủng cỡ đó, thợ sửa chóng phải dùng cân laser để cân, búa thủy lực để ép, rồi dùng búa thủ công tinh chỉnh thêm.
Dạo một vòng quan sát các tàu cá đang “làm nước” tại đây, tôi gặp ông Nguyễn Đình Sang (ở phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn), có hơn 20 năm làm nghề sửa chóng, đang chăm chú sửa chóng cho một tàu cá, vừa gõ vừa nghiêng tai lắng nghe tiếng búa. Ông Sang cho biết: “Chân vịt bị vênh thì tàu chạy chậm, rung lắc, hao dầu. Việc của mình là phải cân sao cho chân vịt quay đúng tầm, vào tua là ngọt nước, con tàu đạt được vận tốc tối đa”.
“Chỉnh bằng tai, gõ bằng mắt”
Đang là mùa trăng, các triền đà tại khu vực cầu Hà Thanh1, phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) rộn ràng hẳn lên bởi hàng chục tàu cá lên đà làm nước. Hầu hết các thợ sửa chóng đều có một đoạn đời làm chủ tàu, nhưng ông Võ Văn Năm (ở phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) là một ví dụ khác. Ngừng tay búa, ông Năm cười: “Tôi gắn bó với nghề đến giờ cũng hơn 25 năm. Nhìn thấy đơn giản, cứ hai tay cầm hai búa gõ gõ vậy đấy, chứ tay ngang mà cầm vô gõ là có khi vứt ngay chân vịt, hư nặng hơn, thậm chí gãy tai. Việc dùng tay búa nặng, nhẹ để cân chỉnh các tai chân vịt tàu phải đòi hỏi kỹ thuật, canh lực tay búa theo tiếng vang mình nghe được, chứ không phải muốn gõ chỗ nào là gõ!”.
Theo ông Năm, cái chính là người thợ vẫn dùng mắt ngắm để xác định tai chân vịt nào cong, tai nào bị lệch tâm… rồi lấy điểm chuẩn và nhịp nhàng gõ búa tại các vị trí đã đánh dấu để trả mọi thứ trở lại vị trí tối ưu. Lại tùy theo máy của con tàu, vòng quay của chân vịt mà đập cho tai mỏng, dày, dẹp, tròn, thon khác nhau, có vậy chân vịt mới cân bằng, hoạt động ổn định. Có nhiều trường hợp, thợ lành nghề nhìn qua là biết chân vịt bình thường, chỗ cần làm là trục láp và tư vấn chủ tàu tháo trục láp ra đi cân lại cho thẳng để tàu chạy êm.
Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho hay: “Với kỹ thuật hiện đại, việc cân chỉnh chân vịt tàu cá được thực hiện bằng máy đo laser, phần mềm máy tính để xác định các điểm cần cân chỉnh. Những người thợ sửa chóng theo phương pháp thủ công phần lớn xuất thân là ngư dân, họ có nhiều kinh nghiệm nên hiểu rõ đặc tính từng loại chân vịt để cân chỉnh lại. Một số người chịu khó cập nhật kiến thức, phát huy tối đa sự hỗ trợ của công nghệ mới nên cùng với kinh nghiệm nhiều năm làm nghề, họ giỏi vượt trội và làm đạt độ chính xác rất cao, lại nhanh hơn trước rất nhiều!”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN