Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Một trong những dấu ấn quan trọng giai đoạn 2015 - 2020 của huyện Vân Canh là chương trình mục tiêu quốc gia, đề án giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ được tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình gần 164 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, tạo điều kiện để người dân nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.
Hầu hết các gia đình ở làng Hà Văn Trên đều trồng keo, góp phần cải thiện đời sống.
Bên cạnh đó, chính sách đối với miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được lồng ghép triển khai thực hiện có hiệu quả. Các chương trình, dự án tập trung đầu tư phát triển KT-XH cho các thôn, xã đặc biệt khó khăn; thực hiện tốt công tác định cư, định canh và hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, ổn định, nâng cao đời sống. Kính phí thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 là gần 43,3 tỷ đồng. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động được quan tâm; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 35,2%.
Nhờ đó, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 6,7%/năm, vượt 2,7% so với nghị quyết đề ra.
Không khó để nhận ra sự đổi thay ở những vùng đồng bào DTTS của Vân Canh. Những con đường bùn đất đầy phân trâu, bò đã không còn. Thay vào đó là những con đường bê tông thẳng tắp, sạch sẽ. Nhiều trường học mới khang trang mọc lên; có cả cửa hàng tạp hóa, quán ăn. Hai bên đường đi, nhiều nhà dân còn trồng những chậu hoa giấy sặc sỡ sắc màu.
Tại làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận), 99/100 hộ dân là người DTTS, chủ yếu là Bana. Con đường liên xã từ thị trấn Vân Canh nối xã Canh Liên đi qua làng được đầu tư mới đã làm cho đời sống của bà con nơi đây sang trang mới. Trừ vài hộ neo đơn, già yếu, hầu hết các gia đình ở Hà Văn Trên đều trồng keo, với tổng diện tích 600 ha. Không chỉ trồng keo, gia đình anh Đinh Văn Dũng, Đinh Văn Luốt, Đinh Văn Túc còn có xe tải chở keo, mở thêm cửa hàng buôn bán; kinh tế khá giả, mức sống ổn định.
Bên cạnh đó, nghề dệt thổ cẩm ở các làng đồng bào DTTS cũng được khôi phục. Không chỉ giữ gìn văn hóa truyền thống, mà còn tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.
Theo ông Hà Văn Tuấn - Bí thư Chi bộ làng Hà Văn Trên, bình quân mỗi năm làng giảm được 5 - 6 hộ nghèo. “Điều đáng quý là tinh thần tự lập, tự lực trong đồng bào DTTS ngày càng nâng cao, thấy người khác làm được thì mình cũng phải cố gắng làm theo; tình trạng ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước đã giảm hẳn”, ông Tuấn chia sẻ.
MAI LÂM