Công trình kè chắn sóng xã Nhơn Hải: Đến ngày 15.9 phải hoàn thành
Nhận định mùa mưa năm nay sẽ đến sớm hơn năm trước với nhiều đợt mưa lớn, kết hợp triều cường, ảnh hưởng đến công tác thi công và chất lượng công trình kè chắn sóng ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), UBND tỉnh yêu cầu UBND TP Quy Nhơn đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đến ngày 15.9 phải hoàn thành công trình.
Cơn bão số 5 xảy ra vào cuối tháng 11.2019 đã làm đổ sập hoàn toàn hơn 100 m kè chắn sóng cùng 3 ngôi nhà dân tại thôn Hải Nam (xã Nhơn Hải) và uy hiếp hàng trăm hộ dân khác, buộc UBND tỉnh phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại khu vực này. Việc xây dựng mới tuyến kè, di dời các hộ dân sinh sống sát bờ biển nhằm đảm bảo an toàn cho dân được tỉnh ưu tiên tối đa.
Đã thực hiện trên 61% giá trị hợp đồng
Tháng 3.2020, Ban quản lý Dự án NN&PTNT được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư thực hiện Dự án kè chắn sóng Nhơn Hải. Những ngày này, công trường thi công tuyến kè tất bật với nhiều tốp công nhân của Công ty TNHH Nhật Minh và Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc đang vận hành phương tiện, máy móc thi công chân khay kè chắn sóng và đúc lát mái kè bằng bê tông cốt thép.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu (bìa phải) kiểm tra tiến độ thi công tuyến kè chắn sóng Nhơn Hải.
Trực tiếp giám sát thi công đoạn kè chắn sóng ở khu vực thôn Hải Nam, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Minh Võ Văn Hai cho hay: Công ty chúng tôi đảm nhiệm thi công 518 m kè chắn sóng bằng bê tông cốt thép cùng các công trình thoát nước dọc tuyến kè. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, công ty đã huy động lực lượng, máy móc, vật liệu làm việc nhiều ca trong ngày, nên khối lượng công việc đạt khá cao. Đến nay, công ty đã hoàn thành thả 9.006 m3 đá bảo vệ chân kè; đúc và lắp 675 cục chặn chân kè dọc theo tuyến kè. Hiện công nhân đang tập trung đúc lắp đặt tấm lát mái kè và thi công dầm chân, dầm đỉnh, vỉa hè, tường chắn sóng bằng bê tông. Với tiến độ như hiện nay, chắc chắn chúng tôi sẽ hoàn thành phần công việc của mình trong tháng 9.2020.
Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc cũng sử dụng phương tiện, máy móc để thi công các hạng mục công trình kè chắn sóng dài hơn 741 m. Ông Hồ Thanh Tịnh, cán bộ kỹ thuật của Công ty, cho hay: Chúng tôi ưu tiên thực hiện các hạng mục công trình ở khu vực dưới nước trước. Đến nay, công ty đã hoàn thành việc đúc và lắp đặt 929 cục chặn chân kè và thả 7.282 m3 đá bảo vệ chân kè. Các hạng mục khác như lắp đặt tấm lát mái kè, dầm đỉnh, vỉa vè, chân tường chắn sóng cũng đạt yêu cầu của chủ đầu tư.
Ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban quản lý Dự án NN&PTNT tỉnh, cho biết: Tuyến kè chắn sóng kết hợp làm đường giao thông Nhơn Hải dài hơn 1.250 m, mặt đường rộng 9 m, vỉa hè mỗi bên 3 m, kết cấu bằng bê tông cốt thép với tổng mức đầu tư 99 tỷ đồng. Kè chắn sóng có kết cấu dạng mái nghiêng, được gia cố mái bằng các tấm lát trong khung vây bê tông cốt thép; gia cố chân kè bằng các khối bê tông đúc sẵn và đá; đỉnh kè xây dựng tường hắt sóng bằng bê tông cốt thép. Từ tháng 3.2020 đến nay, các nhà thầu đã thực hiện đạt trên 61% giá trị hợp đồng. Phần lớn các hạng mục khó ở dưới nước đã được hoàn thiện, đảm bảo chất lượng. Với tiến độ như hiện nay, chậm nhất đến cuối tháng 9.2020 sẽ cơ bản hoàn thành tuyến kè chắn sóng. Còn việc thi công đường giao thông, hệ thống điện và hệ thống thoát nước dọc theo tuyến kè này sẽ được triển khai sau khi chính quyền địa phương hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Chưa giải phóng mặt bằng xong
Công tác đền bù, di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án kè chắn sóng Nhơn Hải đã được chính quyền địa phương thực hiện nhiều tháng qua nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Ngày 29.7 vừa qua, báo cáo với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu về công tác đền bù, GPMB để thực hiện Dự án kè chắn sóng Nhơn Hải, ông Lê Công Trình, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: Hiện còn 10 trong tổng số 116 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án chưa nhận tiền bồi thường, chưa chịu nhận đất tại khu tái định cư và chưa tháo dỡ công trình, giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền vận động, nhưng 7 hộ thuộc diện giải tỏa một phần và 3 hộ giải tỏa trắng vẫn chưa chấp thuận chính sách đền bù của Nhà nước.
Lý giải về sự chậm trễ trong công tác GPMB, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Nguyễn Công Vịnh cho hay: Chính sách hỗ trợ, đền bù, GPMB của tỉnh rất thông thoáng. Thành phố cũng đã chuẩn bị sẵn quỹ đất để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án này theo thứ tự ưu tiên và chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương tập trung công tác đền bù, GPMB, cấp đất cho các hộ. Tuy vậy, vẫn còn một số hộ đòi hỏi quá mức, cố tình chây ỳ, không nhận tiền đền bù. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, nếu các hộ còn lại không chịu nhận tiền đền bù, tháo dỡ công trình, thành phố chỉ đạo xã Nhơn Hải tổ chức cưỡng chế.
Khẳng định tầm quan trọng và tính cấp bách của dự án kè chắn sóng Nhơn Hải đối với việc đảm bảo an toàn cho người dân, tạo môi trường cảnh quan thúc đẩy kinh tế du lịch địa phương phát triển, Phó Chủ tịch Trần Châu yêu cầu UBND TP Quy Nhơn phải tổ chức cưỡng chế ngay những hộ tiếp tục chây ỳ để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Ban quản lý Dự án NN&PTNT phải đôn đốc các nhà thầu huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo đến ngày 15.9.2020 phải hoàn thành công trình.
PHẠM TIẾN SỸ