“Khẩu trang” để làm gì?
Trong tiếng Việt có một số từ vựng về trang phục có nguồn gốc Hán. Đây là những từ rất quen thuộc mà không ít người nghĩ rằng chúng là từ thuần Việt, chẳng hạn: áo, quần, khố, [áo] the,..
Áo trong tiếng Việt bắt nguồn từ chữ áo trong tiếng Hán. Chữ này thuộc bộ y (nghĩa “cái áo”, chỉ áo quần nói chung), nghĩa gốc là “áo ngắn, áo bông”. Quần bắt nguồn từ chữ quần, bộ y, nghĩa gốc là “cái váy, cái quần”. Ta gặp chữ này trong thành ngữ bố quần kinh thoa (được rút gọn thành điển bố kinh), nghĩa “quần bằng vải thô, trâm cài bằng sợi gai”, chỉ người vợ chịu thương chịu khó. Khố bắt nguồn từ chữ khố, cũng bộ y, nghĩa gốc “cái khố, quần đùi”. The bắt nguồn từ chữ sa thuộc bộ mịch (nghĩa “tơ nhỏ”, chỉ vải lụa nói chung), nghĩa “sợi vải, lụa mỏng, the”. Về nghĩa thì đã rõ. Còn về âm, mối quan hệ s- ~ th- giữa sa ~ the cũng như [chu] sa ~ [hàng] the, sơ ~ thưa, sư ~ thầy. Tương tự, mối quan hệ -a ~ -e cũng như giữa hạ ~ hè, trà ~ chè, xa ~ xe…
Vậy còn từ khẩu trang? Hẳn nhiều người cho rằng đây cũng là một từ gốc Hán. Kỳ thực, ta chỉ mượn hai yếu tố gốc Hán là khẩu và trang để tạo nên từ này. Trong tiếng Trung hiện nay, tương đương với khẩu trang của người Việt là từ khẩu tráo (âm Hán Việt). Trong đó, tráo (bộ võng), nghĩa danh từ là “cái nơm, cái lồng”, nghĩa động từ là “che, trùm, chụp, đậy”. Như vậy, người Trung Quốc gọi cái khẩu trang rất hình tượng là “cái nơm, cái lồng miệng” hoặc rất thiết thực là “cái che miệng”.
Người Việt thì gọi khái quát hơn là “trang phục của miệng”. Từ điển tiếng Việt định nghĩa khẩu trang là “đồ dùng làm bằng vải nhiều lớp hoặc có lót lớp ngăn cách để đeo che miệng và mũi, ngăn giữ bụi bặm, chất độc hoặc chống rét” (Hoàng Phê chủ biên, 1997). Hiện nay, trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp, khẩu trang còn có chức năng vô cùng quan trọng nữa là ngăn không cho vi rút xâm nhập vào cơ thể. Việc đeo khẩu trang thường xuyên giúp hạn chế rất lớn khả năng lây nhiễm bệnh. Có lẽ, các tác giả Từ điển tiếng Việt cũng không ngờ rằng, giờ đây, từ khẩu trang phải bổ sung thêm nét nghĩa “ngăn chặn vi khuẩn, vi rút” nữa.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ