CHÀO MỪNG ÐẠI HỘI ÐẠI BIỂU ÐẢNG BỘ HUYỆN TÂY SƠN LẦN THỨ XXI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025
Đầu tư trọng điểm, tạo thế mạnh địa phương
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ðảng bộ huyện Tây Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề có thế mạnh của địa phương, tạo nên những bước phát triển mạnh mẽ.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, nền kinh tế của huyện Tây Sơn tiếp tục tăng trưởng, có lĩnh vực phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm các ngành sản xuất đạt 13,1% (chỉ tiêu nghị quyết 12%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực: Tỷ trọng du lịch - dịch vụ - thương mại 46%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng 34,1%; nông - lâm - thủy sản 19,9% (chỉ tiêu nghị quyết tương ứng 46% - 34% - 20%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 45,3 triệu đồng/năm (chỉ tiêu 45 triệu đồng/năm), tăng 17,8 triệu đồng so với năm 2015.
Trung tâm huyện Tây Sơn hôm nay. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Thu hút đầu tư, tạo việc làm
Điểm nhấn đầu tiên trong phát triển kinh tế của huyện Tây Sơn 5 năm qua là sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng được duy trì và có bước phát triển. Công tác lập quy hoạch các cụm công nghiệp và làng nghề được chú trọng. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 365 ha; có 10/12 cụm công nghiệp được lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, tăng 4 cụm so với năm 2015.
“Chúng tôi ưu tiên quy hoạch và thu hút đầu tư các lĩnh vực, ngành nghề mà huyện có thế mạnh về nguồn nguyên liệu và lao động như: Sản xuất vật liệu xây dựng, gia công cơ khí, công nghiệp may mặc, công nghiệp chế biến nông lâm sản, sản xuất đồ gỗ gia dụng và hàng thủ công mỹ nghệ...”, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tây Sơn Lê Hà An cho hay.
Bên cạnh đó, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp, làng nghề được tăng cường với tổng mức đầu tư trên 47 tỷ đồng. Công tác xúc tiến đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 5 năm qua, huyện đã kêu gọi thu hút đầu tư 63 dự án với tổng mức đầu tư trên 5.898 tỷ đồng. Một số dự án lớn như: Nhà máy may công nghiệp Able Tây Sơn, Nhà máy điện năng lượng mặt trời TTC, Nhà máy chế biến gỗ của Công ty TNHH An Minh Huy, Nhà máy sản xuất chế biến lâm sản của Công ty TNHH MTV Năng lượng An Việt Phát... Trong đó, dự án Nhà máy may công nghiệp Able Tây Sơn đã hoàn thành giai đoạn I và đi vào hoạt động.
Đến nay, toàn huyện có 1.880 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10.000 lao động. Trong đó, các cụm công nghiệp có 139 DN và cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động.
Mới đi vào hoạt động hơn 3 tháng tại Cụm công nghiệp Phú An (xã Tây Xuân), phân xưởng Tây Sơn của Công ty TNHH JSE đã giải quyết cho 60 lao động tại chỗ. Chị Nguyễn Thị Phấn, ở thôn Thủ Thiện Hạ, xã Bình Nghi, chia sẻ: “Ruộng đồng để chồng con lo, tôi vào làm ở đây với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Đây là khoản thu nhập quan trọng của gia đình lâu nay chỉ trông đợi vào cây lúa”.
Theo ông Lê Tiến Sỹ - quản lý phân xưởng, sản phẩm đan nhựa giả mây của Công ty xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu... Ngoài lực lượng làm việc tại chỗ, Công ty còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi với những công đoạn thực hiện tại nhà.
Còn Nhà máy Cơ khí thủy công Hùng Vương (ở xã Bình Nghi) - Chi nhánh Công ty CP Cơ điện và xây lắp Hùng Vương hiện có 2 xưởng với tổng diện tích 3.000 m2. Ông Nguyễn Xuân Thảo - phụ trách kỹ thuật của Nhà máy, cho biết: “Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, đơn hàng giảm nên hiện chỉ có 40 lao động làm việc, chứ lúc cao điểm chúng tôi có hơn 80 người, phải thuê khoán lao động bên ngoài”.
Đông đảo du khách trẩy hội Đống Đa tại Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: HỒNG PHÚC
Tập trung cho thế mạnh du lịch
Bên cạnh sản xuất công nghiệp, huyện Tây Sơn cũng chú trọng đầu tư cho lĩnh vực du lịch - dịch vụ - thương mại. Huyện đã phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Đồng thời, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư nâng cấp các công trình di tích lịch sử - văn hóa phục vụ phát triển du lịch, như: Nâng cấp và mở rộng Bảo tàng Quang Trung, Đền thờ thân phụ thân mẫu Tây Sơn Tam kiệt, Khu chứng tích Gò Dài, Đài tưởng niệm Liệt sĩ Thuận Ninh; nâng cấp đường vào các lò võ Hồ Sừng, Phan Thọ; mở rộng tuyến đường vào các khu di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.
Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch, chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách. Bình quân mỗi năm có khoảng 300 nghìn lượt khách đến tham quan du lịch.
Anh Trần Trung Thông - bảo tàng viên Bảo tàng Quang Trung, cho biết: “Mở cửa trở lại sau khi giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19, mỗi ngày Bảo tàng đón hơn 1.500 lượt khách. Du khách rất thích thú khi tham quan Nhà trưng bày mới, hào hứng nghe giới thiệu truyền thống nhà Tây Sơn, xem phim 3D các chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Rạch Gầm - Xoài Mút”.
NGUYỄN VĂN TRANG