Thu nhập khá từ nghề chế biến tinh dầu tràm
Tận dụng nguyên liệu tràm tự nhiên có sẵn tại địa phương, ông Đặng Thanh Lâm, ở thôn Hòa Hội Bắc, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ đã chế biến tinh dầu tràm, mang lại thu nhập khá, tạo việc làm cho nhiều lao động thời vụ tại địa phương.
Ông Lâm kể: “Năm 2017, có dịp đi du lịch tại TP Huế, đến tham quan một cơ sở nấu tinh dầu tràm, tôi thấy loại lá tràm họ dùng rất giống với lá tràm mọc hoang ở quê mình, trong đầu tôi lóe lên ý tưởng về quê hái lá tràm để nấu thử!”.
Lò nấu tinh dầu tràm của gia đình ông Đặng Thanh Lâm và thành phẩm tinh dầu tràm (ảnh phải).
Sau khi mày mò, nghiên cứu, ông Lâm đầu tư hơn 30 triệu đồng để làm nồi hơi, lò nấu tinh dầu tràm và đặt hàng cho người dân tại địa phương đi hái lá tràm để mua gom với giá 700 đồng/kg lá tràm. Mẻ dầu đầu tiên ông nấu 2 tạ lá tràm thu được 1 lít tinh dầu tràm, bán được 800 nghìn đồng/lít. “Do chưa có kinh nghiệm, mẻ dầu đầu tiên tôi nấu ra vẫn chưa đạt lắm, với lại nồi làm bằng kẽm, kích cỡ nhỏ nên bị rò rỉ, hơi ra không đều. Tôi lên mạng tìm hiểu thêm cách nấu, rồi gọi điện ra ngoài Huế nhờ họ tư vấn thêm cách làm. Sau đó, tôi đầu tư thêm 15 triệu đồng để làm nồi hơi bằng inox, xây lại lò nấu, rồi tiếp tục mua gom lá tràm về chế biến tinh dầu tràm. Dần dần mọi thứ đi vào ổn định đến giờ”, ông Lâm thổ lộ.
Sau 3 năm theo nghề chế biến tinh dầu tràm, cuộc sống của gia đình ông Lâm khấm khá hơn trước. Trung bình mỗi ngày, gia đình ông nấu từ 2 - 3 tạ lá tràm, sau khi chưng cất cho ra thành phẩm 1,5 - 2 lít tinh dầu tràm. Đầu ra sản phẩm tinh dầu tràm do gia đình ông sản xuất rất ổn định, ngoài bán sỉ cho các cơ sở tại Huế, TP Hồ Chí Minh với giá 800 - 850 nghìn đồng/lít, ông còn bán lẻ cho khách hàng quen ở trong tỉnh.
“Về lâu dài, tôi sẽ xin phép địa phương, ngành chức năng xây dựng nhãn hiệu có truy xuất nguồn gốc sản phẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, mở rộng thêm quy mô sản xuất, tạo việc làm cho người dân địa phương”, ông Lâm bày tỏ.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN