Báo chí Bình Định: Chính thống, tin cậy, nhân văn
Cùng với sự phát triển của KT-XH, sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ kỹ thuật số và sự lớn mạnh, trưởng thành của các cơ quan báo chí, các nhà báo, 5 năm qua, nền báo chí tỉnh Bình Ðịnh đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào.
Đội ngũ hùng hậu, sản phẩm phong phú
Tính đến tháng 6.2020, tỉnh Bình Định có 2 cơ quan báo chí cấp tỉnh là Báo Bình Định và Đài PT&TH Bình Định; 5 tạp chí, 1 đặc san, 8 bản tin của các sở, ngành và hệ thống đài truyền thanh từ huyện đến cơ sở (từ 2019, tuy các đài Truyền thanh cấp huyện hợp nhất với trung tâm VH-TT&TT nhưng cơ sở vật chất, con người và hoạt động cơ bản vẫn như trước). Về số lượng nhân sự, hiện có gần 600 người làm việc trong các cơ quan báo chí từ tỉnh đến cơ sở.
Năm năm qua cũng là thời gian Báo Bình Định có sự phát triển đột phá. Không chỉ là một trong những tờ báo Đảng đầu tiên trong cả nước xuất bản nhật báo với 12 trang các ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy và Báo Bình Định Chủ nhật có 16 trang; Ban Biên tập Báo Bình Định tiếp tục chủ trương thường xuyên cải tiến nội dung và hình thức báo in, báo điện tử, thêm nhiều chuyên trang, chuyên mục mới.
Đoàn Nghị viện châu Âu kiểm tra tại Cảng cá Quy Nhơn về chống khai thác hải sản bất hợp pháp trả lời phỏng vấn báo chí.
Nhờ đó, bạn đọc trong tỉnh được đón nhận một tờ báo in Bình Định “bắt mắt” hơn về hình thức; tin tức, bài vở mang tính thời sự cao, phong phú, đa dạng. Lượng người truy cập và tương tác trên báo điện tử cũng ngày càng tăng với hơn 256 nghìn lượt tài khoản tiếp cận và hơn 48.000 lượt tương tác những thông tin được báo đăng tải.
Song hành với Báo Bình Định, Đài PT&TH Bình Định cũng đã phủ sóng trên phạm vi toàn quốc và các nước trong khu vực, với thời lượng phát sóng hơn 16 giờ/ngày. Trong đó, thời lượng phát sóng chương trình tự sản xuất đạt 40%. Nội dung chương trình truyền hình cũng ngày càng được cải tiến theo hướng nhanh chóng, thiết thực, bổ ích, hấp dẫn, hình thức mới mẻ, sinh động. Sóng phát thanh duy trì thời lượng phát sóng hơn 5 giờ/ngày trên 2 sóng AM và FM, trong đó có 1 giờ phát thanh trực tiếp. Bên cạnh đó, các đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố và cơ sở cũng hàng ngày, hàng giờ cập nhật tình hình KT-XH, đời sống sản xuất, kinh doanh của nhân dân địa phương.
Từ chỗ chỉ có một vài phóng viên thường trú (PVTT), hiện trên địa bàn tỉnh đã có khoảng 30 PVTT và văn phòng đại diện của các báo, tạp chí. Điều này cho thấy tỉnh Bình Định đã có những bước phát triển mạnh mẽ về KT-XH, trở thành một địa bàn năng động, thu hút sự quan tâm của bạn đọc cả nước. Các văn phòng đại diện, PVTT cũng có nhiều đóng góp đáng kể vào sự phát triển của tỉnh.
Chính thống, tin cậy, nhân văn
Thời gian qua, báo chí Bình Định đã phát triển mạnh mẽ về quy mô, loại hình, công nghệ và có bước tiến quan trọng về chất lượng nội dung, hình thức, hiệu quả thông tin. Những người làm báo trong tỉnh luôn đi đầu trên mặt trận đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ Đảng và chế độ; tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống xã hội. Nhiều nhà báo không quản ngại hiểm nguy, khó khăn, gian khổ, dũng cảm thâm nhập thực tế, kịp thời đưa tin những sự kiện nóng, các vấn đề bức xúc...
Bước vào giai đoạn phát triển mới, để hoàn thành sứ mệnh trong thời đại công nghiệp 4.0, các cơ quan báo chí, các nhà báo trong tỉnh phải tiếp tục “nâng tầm”, tập trung mọi nỗ lực để tiếp tục hướng tới hệ giá trị cốt lõi: Chính thống - Tin cậy - Nhân văn.
Nói về báo Bình Định trong tương lai, Tổng Biên tập Trần Thanh Hải cho biết: “Trong vài năm tới, chúng tôi phấn đấu xây dựng Báo Bình Định trở thành một kênh truyền thông đa phương tiện theo hướng hiện đại, với hai nền tảng là báo in xuất bản hàng ngày và báo điện tử liên tục cập nhật. Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi xác định điều kiện tiên quyết là phải xây dựng cho được đội ngũ những người làm báo của Báo Bình Định có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thông nghiệp vụ, tâm huyết với nghề, thực sự có tâm, có tài. Đồng thời, Báo Bình Định cũng cần được tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, nhất là nâng cấp báo điện tử theo hướng cập nhật công nghệ mới, trang thiết bị hiện đại để đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí - truyền thông”.
Ngọc Quỳnh