Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm: Phụ huynh yên tâm, trẻ vui đến trường
Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, giai đoạn 2016 - 2020 đã được 100% cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh thực hiện. Thay vì dạy một chiều theo kiểu “cô nói, trẻ nghe”, với phương pháp lấy trẻ làm trung tâm, giáo viên phải tạo ra các điều kiện, cơ hội để trẻ chủ động khám phá, sáng tạo và hoạt động. Qua đó giúp cho phụ huynh yên tâm, trẻ vui đến trường.
“Lấy trẻ làm trung tâm”
Toàn tỉnh hiện có 286 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 115 cơ sở ngoài công lập. Đến nay, có 100% cơ sở thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.
Ông Phan Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Sau khi ban hành kế hoạch triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, giai đoạn 2016 - 2020, hằng năm, trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học, Sở lồng ghép nội dung hướng dẫn thực hiện chuyên đề; chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện chuyên đề phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị. Đến nay, hoạt động nuôi dạy trẻ thật sự thay đổi theo hướng tích cực. So với trước, đến thăm trường nào cũng sẽ thấy các cháu khỏe mạnh vui vẻ, tự tin hơn nhiều.
Trẻ chơi đùa trong lớp ở Trường mẫu giáo Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ).
Thật vậy, đến nay, hầu hết các trường mầm non ở tỉnh ta đều có khuôn viên xinh tươi, nhiều màu sắc, có nhiều cây xanh, cỏ hoa... Cùng với đó, hiên chơi, cầu thang, thường được các trường bố trí theo hướng mở; sử dụng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương để làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Trường ở khu vực nông thôn, các cô làm mô hình trung tâm mua sắm, siêu thị, tiệm làm đẹp; ngược lại với trường ở phố các cô lại làm mô hình vườn quê, góc quê, vườn rau quả để giới thiệu cho bé; ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cô trang trí theo văn hóa của dân tộc các bé như nhà sàn, gùi, thổ cẩm… để các bé dần ý thức về bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Bà Nguyễn Thị Trang, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ), cho biết: Trước kia các cô chỉ cần lên lớp dạy các cháu bài học, đủ giờ hết giờ là xong. Khi thực hiện chuyên đề các cô phải tổ chức nhiều hoạt động hơn, cả trong và ngoài lớp, xây dựng cảnh quan, làm đồ chơi… Nói chung phải nghĩ đến các cháu nhiều hơn, sáng tạo hơn. Do vậy, tập thể chúng tôi cùng nhau quán triệt vấn đề này, lấy đó làm nền tảng để đồng lòng thực hiện chuyên đề. Ban đầu cũng có một số khó khăn nhưng đều tháo gỡ được hết, mình làm được một ít các cháu vui thêm một ít, càng ngày niềm vui càng lớn thêm, nhiều hơn và đặc biệt là thêm yêu thương trẻ nhiều hơn.
Cô Huỳnh Thị Mỹ Dung, giáo viên Trường mầm non thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), chia sẻ: Trước kia tôi dạy lớp ghép, trước khi lên lớp, không phải chuẩn bị bài dạy, đồ dùng cho 1 độ tuổi mà đến 3 độ tuổi. Dù có hơi mất thời gian một chút nhưng đến lớp các cháu có cái để hoạt động, vui chơi, không bị thụ động, chúng tôi dạy dỗ các cháu trong không gian xinh tươi, cả cô và trò đều cảm thấy thích thú.
Nhà trường - Gia đình & Xã hội chung tay
Có một điểm khác trước rất cơ bản khi thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” là không chỉ có nhà trường mà nay còn có thêm vai trò tích cực của gia đình và xã hội. Để có thêm không gian cảnh quan, mô hình phục vụ các cháu, nhà trường đề nghị và hầu hết đều được phụ huynh, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn ủng hộ bằng hiện vật như chậu hoa, cây cảnh, ghế đá, các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương. Cô Nguyễn Thị Trang cho biết thêm, ai ủng hộ cũng hoan nghênh, ủng hộ thứ gì cũng quý, các cô còn sử dụng nhiều phụ liệu, phế liệu, tân trang đồ cũ thành đồ chơi cho các cháu. Nhưng để người khác ủng hộ, mình phải mở lời, có kế hoạch tốt và sử dụng đúng mục đích. Bằng cách làm đó, Trường mẫu giáo Mỹ Hiệp đã được hỗ trợ sách báo, xi măng, vôi cát… Và kết quả là Trường có thêm lối đi cỏ hoa, tường rào sơn vui mắt, thư viện xanh!
Một số kết quả qua 5 năm thực hiện chuyên đề:
● Tổng chi phí thực hiện gần 150 tỷ đồng, gồm các nguồn: Ngân sách Trung ương, địa phương, xã hội hóa, công lao động, hiện vật... Dùng để xây dựng, cải tạo trường, sân vườn; mua sắm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi; hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng; khen thưởng…
● Xây dựng 40% diện tích sân trường là cỏ, hạn chế tình trạng sân trường là sân bê tông. Có khu vui chơi, khu phát triển thể chất, phòng chức năng.
● Trình độ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn tăng, đến nay 100% giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn là 66,7%.
Tương tự, bước vào Trường mầm non Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh), ai cũng thấy thích thú vì không gian xanh tươi và ngôi nhà sàn bé bé, xinh xinh giữa sân do phụ huynh làm tặng nhà trường. Không chỉ cô giáo làm đồ dùng, xây dựng hoạt động ở các góc sinh hoạt mà phụ huynh, người dân trong xã cũng giúp rất nhiều. Họ trồng cây, làm nhà sàn, đan đát các vật dụng truyền thống, làm đàn… để trang trí lớp học, cho trẻ vui chơi. Cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Triển khai thành công chuyên đề, chúng tôi giúp trẻ có thêm nhiều trải nghiệm, khám phá, chơi mà học học mà chơi. Từ nền tảng đó, nhà trường được phụ huynh tin cậy, đến nay trường đã mở được các lớp bán trú cho trẻ từ 13 - 60 tháng tuổi.
Ông Đinh A Nhơ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thuận,có cháu học tại Trường mầm non Vĩnh Thuận, chia sẻ: Tôi hay làm các loại đàn truyền thống, một số vật dụng đan đát để tặng trường và giới thiệu cho các cháu. Nhà trường xây dựng nhiều hoạt động, các cháu càng tự tin, điều này là nền tảng quý báu cho con cháu chúng tôi.
Bà Hoàng Ngọc Tố Nương, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước, cho biết: Nói về thay đổi tích cực, có lẽ bậc mầm non có những thay đổi rõ rệt nhất. Từ khi triển khai chuyên đề, các trường tập trung xây dựng cảnh quan trong và ngoài lớp học, đặc biệt thu hút cha mẹ và cộng đồng tham gia chăm sóc giáo dục trẻ. Từ đó giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm, kỹ năng. Đến nay trường mầm non trên địa bàn huyện xinh xắn, gần gũi, tổ chức bán trú, xây dựng nhiều hoạt động vui chơi, giúp phụ huynh yên tâm gửi trẻ.
THẢO KHUY