Thêm mô hình mới hỗ trợ người khó khăn
Chợ Nhân đạo là mô hình mới do Trung ương Hội CTÐ Việt Nam phát động và yêu cầu hội CTÐ các tỉnh, thành trong cả nước triển khai thực hiện trong Tháng Nhân đạo năm 2020 (tháng 5.2020). Kết thúc Tháng Nhân đạo, các phiên chợ này vẫn được Hội CTÐ tỉnh duy trì, đẩy mạnh; đồng thời, kêu gọi các hội CTÐ trực thuộc tổ chức thường xuyên để hỗ trợ người dân khó khăn tại địa phương mình.
Theo Hội CTĐ tỉnh, về bản chất, hoạt động của những phiên Chợ Nhân đạo không khác gì hoạt động trao tặng quà cho người khó khăn lâu nay; tuy nhiên, theo cả ban tổ chức, nhà hảo tâm và người dân nhận quà thì mô hình mới hay, hấp dẫn và hỗ trợ thiết thực hơn. Hầu hết các phiên chợ thu hút người dân đủ mọi lứa tuổi, trong đó háo hức nhất là các em nhỏ. Tại phiên chợ ở làng Kà Bông (xã Canh Liên, huyện Vân Canh), bà Đinh Thị Luông dẫn theo đứa cháu chuẩn bị vào lớp 1 đi chọn đôi giày mới. Bà bảo, đi Chợ Nhân đạo vui hơn đi nhận quà như mọi khi bởi vì tới chợ, bà được chọn lấy món đồ mình thích, mình cần và được nhận nhiều thứ hơn. “Nào gạo, mì tôm, sữa, dầu ăn, nước mắm, cả bánh tráng, cá khô… Các cháu của tôi thì có quần áo, giày dép, mũ nón đẹp”, bà Luông vui vẻ trò chuyện.
Phiên Chợ Nhân đạo tổ chức tại làng Cam (xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn) có đến 32 gian hàng, trong đó có một số mặt hàng tươi sống.
Tham gia tại 8 trong số 10 phiên Chợ Nhân đạo do Hội CTĐ tỉnh tổ chức thời gian qua, bà Trần Thị Tuyết, Chủ nhiệm CLB người tình nguyện CTĐ tỉnh cho biết, bà và các nhà hảo tâm rất thích mô hình này vì không bị áp lực của việc phải đảm bảo đúng bao nhiêu suất quà theo số kinh phí đã đề ra như lâu nay. “Phiên chợ tạo điều kiện để tất cả những ai có tấm lòng muốn san sẻ khó khăn với người nghèo đều có thể tham gia, qua đó lan tỏa sự yêu thương trong cộng đồng. Chính vì vậy mà các phiên chợ ngày càng thu hút nhiều nhà hảo tâm - họ có thể đem đến chợ, từ gian hàng muối trị giá vài trăm nghìn đồng đến gian hàng gạo trị giá hàng chục triệu đồng. Sự đa dạng, phong phú mặt hàng tại chợ đã đáp ứng nhu cầu của đa số người dân khó khăn tại địa phương, đem niềm vui đến cho cả người già lẫn trẻ em”, bà Tuyết chia sẻ.
Theo đánh giá của Hội CTĐ tỉnh, tính đến nay, Hội đã tổ chức được 10 phiên chợ với tổng giá trị hơn 1,5 tỷ đồng. Tất cả các phiên chợ đều đã thành công vượt mong đợi, thực hiện đúng “sứ mệnh” của mình là đến với người dân nghèo vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo và giúp bà con vơi bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống. Mỗi phiên chợ thường có khoảng 10 gian hàng, trong đó một số chợ có đến hơn 30 gian hàng, cả một số mặt hàng tươi sống. Trị giá phiếu mua hàng 0 đồng liên tục tăng từ 300 - 400 nghìn lên 600 - 700 nghìn đồng.
Ông Lê Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hội CTĐ tỉnh, cho biết: “Bên cạnh 10 phiên chợ mẫu do Hội tổ chức thời gian qua, chúng tôi luôn kêu gọi các đơn vị trực thuộc ở cơ sở tổ chức và duy trì mô hình này tại địa phương mình. Ngoài giá trị vật chất, niềm vui về tinh thần, phiên chợ còn là dịp để các nhà hảo tâm biết đến một địa chỉ làm từ thiện để có thể giới thiệu hoặc tìm về trong thời gian tới. Không chỉ tổ chức chuyện bán - mua, tại một số phiên, chúng tôi còn lồng ghép hoạt động khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và phối hợp với Hội Luật gia tư vấn, giải đáp những vấn đề liên quan đến pháp luật”, ông Phong trao đổi.
Hay tin Hội CTĐ tỉnh đã lên kế hoạch tổ chức 2 phiên Chợ Nhân đạo tại TP Quy Nhơn và TX An Nhơn thời gian tới, một số nhà hảo tâm đã liên hệ mong được góp sức. Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hùng và bà Huỳnh Thị Ngọc Lan (Nhà xe Mạnh Hùng, TP Quy Nhơn) thường xuyên đóng góp kinh phí xây dựng gian hàng và tài trợ những chuyến xe đến chợ, chia sẻ: “Mong dịch bệnh Covid-19 sớm bị đẩy lùi để những phiên chợ nhân đạo tiếp tục diễn ra, chúng tôi lại được về với người dân khó khăn”.
NGỌC TÚ