Phòng, chống dịch bệnh Covid-19: Lỗ hổng lớn tại các chung cư
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND tỉnh chỉ đạo ráo riết tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tầm soát nguy cơ lây nhiễm trên toàn địa bàn. Thế nhưng ngay tại TP Quy Nhơn, nhiều chung cư đang lâm vào tình thế không thể kiểm soát, không thể biết có bao nhiêu người đi, về từ vùng dịch, có mầm bệnh hay không?
BQT chung cư Cao ốc Long Thịnh và UBND phường kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid - 19.
TP Quy Nhơn có 6 chung cư đang hoạt động, gồm: Cao ốc Long Thịnh, Phú Mỹ - Quy Nhơn, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Anh - Gia Lai, Thịnh Phát, An Phú Thịnh với khoảng 1.404 căn hộ. Theo yêu cầu của chính quyền, Ban Quản trị (BQT) và đơn vị vận hành các chung cư thương mại, nhà ở xã hội đã triển khai biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Nhưng…
Không kiểm soát được cư dân, lỗ hổng nguy hiểm
Tại nhiều chung cư, BQT đã dán thông báo, khuyến cáo về dịch bệnh ở bảng thông tin của chung cư, thang máy; tuyên truyền, vận động cư dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, chung sức cùng cộng đồng phòng, chống dịch.
Các đơn vị quản lý chung cư không thể thống kê chính xác tại chung cư mình quản lý có bao nhiêu cư dân; không thể ghi nhận tình trạng dịch tễ để có thể báo cáo; không thể biết liệu tại chung cư này có cư dân, khách trọ nào đang trốn cách ly hay không. Đây thật sự là lỗ hổng rất nguy hiểm!
Ông Nguyễn Đức Long, Phó Trưởng ban BQT chung cư Phú Mỹ - Quy Nhơn cho biết: “Chúng tôi cho phát loa trong các thang máy tuyên truyền về phòng dịch, nhắc nhở cư dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước rửa tay sát khuẩn, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ và đeo khẩu trang khi ra ngoài”. Hầu hết, BQT các chung cư đã đề nghị hạn chế tối đa việc đưa khách ra vào chung cư. Tất cả khách đến chung cư phải đăng ký với bảo vệ. Dịch vụ giao hàng thực hiện tại khu vực sân ngoài sảnh, nhân viên giao hàng không vào chung cư. Với cách làm này, có 3 cư dân đã khai báo y tế sau khi đi từ vùng dịch trở về, số này đã được yêu cầu cách ly tại nhà, y tế phường kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
Dù vậy theo nhiều nguồn thông tin khác nhau và theo khảo sát của chúng tôi, các BQT, đơn vị quản lý chung cư chỉ nắm được số liệu hộ cư dân để thu phí vận hành, còn thực tế số lượng, gốc gác cư dân cư trú thì rất lơ mơ. Ví dụ, theo số liệu của UBND, CA phường Ghềnh Ráng, sau gần 5 năm hoạt động, tại chung cư Cao ốc Long Thịnh chỉ có 347 người/479 căn hộ đăng ký tạm vắng, tạm trú, thường trú. Tuy nhiên khảo sát sơ bộ của chúng tôi cho thấy tại chung cư này thường xuyên có ít nhất là 720 xe máy, 50 xe đạp điện đăng ký gởi thường xuyên, hàng tháng. Đặc biệt, chung cư này có tới 27 hộ trên danh nghĩa không có người ở đã hơn 2 năm nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Có những hộ, BQT không thể liên lạc được với chủ hộ. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với nhiều chung cư khác. Nói cách khác, các đơn vị quản lý chung cư không thể thống kê chính xác tại chung cư mình quản lý có bao nhiêu cư dân; không thể ghi nhận tình trạng dịch tễ để có thể báo cáo; không thể biết liệu tại chung cư này có cư dân, khách trọ nào đang trốn cách ly hay không. Đây thật sự là lỗ hổng rất nguy hiểm!
Rất khó giám sát dịch bệnh
Từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh liên tục có nhiều cuộc họp, văn bản yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý, vận hành tại các chung cư. Thế nhưng càng ngày tình hình càng phức tạp. Chỉ có 3/6 chung cư có BQT, còn lại chỉ có ban quản lý. Ngay cả các BQT đang làm việc cũng chịu nhiều áp lực rất lớn.
Tại chung cư Cao ốc Long Thịnh tình hình hoạt động vận hành khá phức tạp: 5/5 thành viên BQT khẩn thiết xin UBND TP Quy Nhơn cho nghỉ vì không thể chịu được áp lực từ các cư dân. Hiện chung cư này có 31 căn hộ không chịu đóng phí vận hành, 11 căn hộ tầng 1 phản đối việc đóng phí thu giữ xe và phí vận hành có thang máy. Cư dân tụ tập, đập phá, đe dọa BQT và đơn vị vận hành; đưa ra yêu sách phi lý như: Đuổi đơn vị vận hành, không trả tiền quản lý vận hành, không chịu kiểm soát xe… Ở cao ốc này việc giám sát dịch bệnh rất khó khăn.
Một ví dụ khác, 3 trong tổng số 5 thành viên của BQT chung cư Hoàng Anh - Gia Lai đã nộp đơn xin nghỉ vì gặp quá nhiều rắc rối trong quá trình vận hành chung cư. Chung cư Phú Mỹ - Quy Nhơn cũng chưa tìm được đơn vị vận hành. Theo quy định, sau 6 tháng hoạt động, chung cư phải tổ chức hội nghị bầu BQT chung cư, nhưng tại chung cư Hoàng Văn Thụ, dù đã bàn giao block A từ ngày 1.11.2019, block B từ ngày 1.1.2020 nhưng đến nay vẫn chưa có BQT. Nói cách khác, ở những nơi này dù tập trung đông người, nhưng việc tầm soát, giám sát dịch bệnh đành trông vào ý thức của từng cư dân.
Đã nhiều lần Sở Xây dựng tổ chức họp với CA TP Quy Nhơn, CA các phường. Qua đó kiến nghị CA tăng cường công tác quản lý ANTT, kiểm tra đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú, lưu trú tại các chung cư. Vì kiểm soát chặt chẽ vấn đề này mới ngăn ngừa đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, tránh tình trạng sử dụng căn hộ không chính chủ. Nhưng với nỗi lo lắng lớn, ông Lê Đăng Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, chia sẻ: “Chúng tôi đề nghị UBND TP Quy Nhơn chỉ đạo các phường có chung cư cần phải quản lý hành chính theo thẩm quyền, hình thành khu dân cư hoặc tổ dân phố trong các tòa nhà chung cư để đảm bảo việc quản lý đạt hiệu quả. Riêng trách nhiệm của mình, Sở đã có văn bản yêu cầu có thời hạn các BQT phải hợp đồng đơn vị vận hành theo Luật Nhà ở. Những trường hợp chủ căn hộ không ở tại chung cư nhà ở xã hội đúng 24 tháng bị thu hồi! Nhưng đến nay, cơ quan CA vẫn chưa xử lý được trường hợp nào. Nghĩ tới chuyện dịch bệnh Covid - 19 tôi rất lo!”.
HẢI YẾN