Thay “áo mới” cho tàu cá
● Phóng sự ảnh của NGỌC NHUẬN
Tàu cá hoạt động trên biển theo thời gian sẽ phải đưa lên đà để “làm nước” (sửa chữa, sơn lại con tàu) với nhiều công đoạn để con tàu được đảm bảo an toàn khi vươn khơi. Riêng tàu cá vỏ thép phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ để sơn sửa lại.
Tàu cá vỏ thép được sơn sửa lại khoác lên mình “chiếc áo mới” và chờ ngày xuống nước hoạt động.
Đến mùa trăng, các triền đà của Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (thuộc Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn) tại khu phố Thiện Chánh 1, Công Thạnh (phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn), cùng các triền đà tại cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), cầu Hà Thanh 1 (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) tấp nập tàu thuyền trong và ngoài tỉnh lên đà “làm nước”.
Sau khi tàu được đưa lên đà, công đoạn đầu tiên sẽ được những người thợ dùng bình áp lực, dao thép để chà hàu, hà bám trên vỏ tàu.
Tại các con tàu đang nằm trên đà, những người thợ xảm, thợ trít keo composite, thợ sơn… đang hì hục chà hàu, xảm, sơn lại từng con tàu. Đối với tàu cá vỏ gỗ, khi con tàu lên đà “làm nước” thì đầu tiên sẽ được chà hàu, hà bám trên vỏ, sau đó được xảm lại những chỗ ván bị hở để làm kín nước, rồi sơn mới lại với lớp sơn mê lườn chống hà và sơn màu cho cả con tàu. Với những tàu bị hư hỏng nặng sẽ có thêm thợ mộc sửa chữa lại, thay đà, gian trong tàu; thợ máy bảo dưỡng lại máy tàu. Trung bình mỗi con tàu cá vỏ gỗ khi hoạt động trên biển khoảng 6 - 8 tháng, chủ tàu sẽ đưa lên đà “làm nước” một lần. Tùy theo mức độ sửa chữa nhiều hay ít, mỗi con tàu “làm nước” từ 7 - 15 ngày, chi phí cho mỗi lần từ 20 - 60 triệu đồng, có khi lên đến cả trăm triệu đồng.
Những tàu cá vỏ gỗ bị hư hỏng nặng được thợ mộc thay lại đà, gian, ván thân tàu.
Tại các cơ sở sửa chữa tàu thuyền, đều có thợ làm các dịch vụ chà hàu, trít composite, xảm tàu, sơn tàu. Mỗi nhóm thợ thường có từ 5 - 7 người để làm các dịch vụ này.
Riêng đối với tàu vỏ thép, sau thời gian hoạt động 3 năm phải được đưa lên đà “làm nước” một lần. Việc sơn lại con tàu được dùng loại sơn đặc dụng với 4 - 5 lần sơn chồng nhiều lớp lên phần mê lườn, thân tàu, boong tàu, ca bin tàu. Với những bộ phận bị rỉ sét, phải được dùng máy mài để đánh bay bề mặt bị rỉ sét, tiến hành hàn lại các chỗ bị hư hỏng, rồi sau đó mới sơn lại. Bởi mức độ phức tạp, nên chi phí cho mỗi lần “làm nước” một tàu cá vỏ thép từ 180 - 200 triệu đồng.
Xử lý lớp mặt rỉ sét, hàn sửa lại các chỗ bị hư hỏng trên tàu cá vỏ thép trước khi sơn.
Dù là tàu cá vỏ thép hay vỏ gỗ, khi hoạt động thời gian dài trên biển đều phải đưa lên đà để kiểm tra “sức khỏe”, sửa chữa, bảo dưỡng lại con tàu. Sau mỗi lần “làm nước”, những tàu cá như được khoác lên mình “chiếc áo mới”, đảm bảo độ an toàn để tiếp tục vươn khơi xa bám biển khai thác thủy sản.
Thợ xảm tàu xảm lại các mối ván trên thân tàu giúp tăng độ kín nước.
Vẽ lại số hiệu tàu sau khi sơn xong.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN