Cần máu hay tiểu cầu, hãy gọi Quỳnh!
23 giờ 30 phút, chuông điện thoại reo. “Alo, cho hỏi phải điện thoại của chị Quỳnh CLB 25 không? Người nhà tôi đang cấp cứu tại BVÐK tỉnh, cần truyền máu O gấp. Làm ơn!”, tiếng nói nghẹn lại. Ngay lập tức, Nguyễn Như Quỳnh - quê huyện Tuy Phước, hiện là Trưởng Ban Truyền thông CLB 25 ngồi bật dậy, trấn an người nhà ngắn gọn vài câu rồi nhanh chóng lục tìm danh sách người đăng ký hiến. Vài phút sau, Quỳnh chạy xe vào bệnh viện để đón người…
0967837017 là số điện thoại của Nguyễn Như Quỳnh khi bạn cần người hiến máu hoặc tiểu cầu.
Quỳnh bảo, chuyện như vậy xảy ra khá thường xuyên nên không thể nhớ cụ thể tên họ một bệnh nhân nào. Điều quan tâm duy nhất là tìm cho ra người có thể giúp. Bất kể sáng trưa chiều tối, hễ điện thoại reng là Quỳnh bắt máy, ngoài ra chị còn thường xuyên theo dõi fanpage của CLB 25, có người đăng thông tin cần máu hay tiểu cầu là chị kêu gọi. Danh bạ điện thoại của chị lưu tên tuổi, nhóm máu từng người và ngày họ hiến máu hoặc tiểu cầu gần nhất. Để khi cần, chị lục ra, biết ngay người nào đủ điều kiện.
Theo bác sĩ Lê Ngọc Thường, Phó Chủ nhiệm phụ trách CLB 25 Bình Ðịnh - Hiến máu tình nguyện, Trưởng Ban Truyền thông Nguyễn Như Quỳnh có một số điểm đặc biệt như: Chưa từng hiến máu nhưng vận động thành công nhất, thường xuyên dẫn sinh viên, người hiến máu đi hiến vào đêm khuya - công việc rất thầm lặng. Ðặc biệt là tình cảm Quỳnh dành cho công tác hiến máu tình nguyện rất dạt dào. Quỳnh đã nhận Bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác vận động hiến máu giai đoạn 2017 - 2019 và mới đây đạt danh hiệu “Chiến sĩ Hành trình Ðỏ 2020” (cả nước chỉ có 8 người).
Trong hai năm qua, theo thống kê thì Nguyễn Như Quỳnh luôn vận động được nhiều người đến hiến máu nhất trong các chương trình của CLB. Để có được “uy tín” ấy, Quỳnh chắt chiu từng mối quan hệ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người đi hiến. Họ có tấm lòng thì mình cũng phải lấy tấm lòng ra mà đối đãi - chị bảo vậy dù rằng chị không phải là người hưởng lợi trong việc này. Nhiều trường hợp gọi hiến máu đột xuất, chị đến tận nhà chở đi rồi chở về. Những đợt hiến máu tập trung, chị gọi điện, nhắn tin trực tiếp hoặc kêu gọi qua các trang mạng xã hội, đăng nhiều bài hướng dẫn cách đăng ký hiến máu online. Không ít người muốn đi hiến nhưng sợ bị lên cân, bị kim chích đau, hôm đó làm ca đêm bị ảnh hưởng sức khỏe… Quỳnh tư vấn, động viên, phân tích mọi lẽ thiệt hơn. Sau khi họ đồng ý đăng ký, chị sẽ nhắc nhở thêm hai lần: Trước ngày hiến, nhắc họ ăn uống đầy đủ, giữ gìn sức khỏe, không uống bia (nam); trong ngày hiến thì nhắc họ đi đến đúng nơi, rồi lại hỏi họ đã đến chưa, có cần ra đón vào không. Trong lúc lấy máu, chị lại đến bên chuyện trò, rót nước, quạt tay để tạo sự thoải mái cho người hiến.
Trò chuyện với một số người thường xuyên hưởng ứng lời kêu gọi của chị, họ bày tỏ niềm tin gần như tuyệt đối vào mỗi lần chị kêu gọi. “Thấy Quỳnh đăng tin trên fanpage hay nhắn tin, gọi điện là biết cần gấp, trừ một ít lần bất khả kháng, còn lại hầu như tôi chạy đến ngay. Vì hiểu, tính Quỳnh cẩn thận, kỹ lưỡng, không hồ đồ”, anh Đặng Minh Khoa ở huyện Tuy Phước chia sẻ.
Quỳnh cao 1,6 m nhưng chỉ nặng 40 kg - không đáp ứng quy định về cân nặng nên chưa từng đi hiến máu lần nào. Biết chuyện này, tôi trêu “có gì đó sai sai”, Quỳnh cười kể có quãng thời gian quyết tâm rất cao nên cố ăn thật nhiều và lên được… 41 kg, thế là xin đi hiến ngay nhưng đã bị từ chối rất thẳng thừng. “Một vài người cũng trêu tôi lấy kinh nghiệm đâu ra mà hô mà hào, nhưng tôi đã tham gia nhiều đợt tập huấn của CLB và tích cực học hỏi kinh nghiệm của nhiều tình nguyện viên. Làm riết rồi quen thành ra có kinh nghiệm thôi. Cũng như cái cảm giác gây phiền hà cho người khác khi gọi người đi hiến đột xuất vậy. Sau đó nhận thấy là đâu có sao, mọi người luôn vui vẻ, nhiệt tình phản hồi mình”, Quỳnh tâm sự.
Quỳnh vốn là sinh viên khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Quy Nhơn, ra trường hai năm rồi nhưng chưa đi tìm việc vì “lỡ thương” với CLB này rồi. Thương nhất là số người có máu hiếm phải chật vật kiếm tìm người có nhóm máu tương thích hay số bệnh nhân nhi mắc bệnh bạch cầu, phải truyền tiểu cầu thường xuyên. Chị tìm tòi, cập nhật để nối dài danh sách người đăng ký, chuẩn bị kịp thời nguồn nhân lực để hiến cho các em nhỏ.
Cựu sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn này trải lòng: “Niềm vui, niềm hạnh phúc ngày càng nhiều làm tôi quyến luyến công việc hiện tại không muốn rời. Cứ mỗi lần nhận thông tin có bệnh nhân cấp cứu cần máu là y như người nhà mình bị vậy. Những kỷ niệm không thể nào quên như những lần lâm cảnh “dở khóc dở cười” khi người nhà sốt ruột quá gọi nhiều nguồn, khi mình gọi đang tới thì có người khác đã vào rồi, như mới đây nhất là chuyện một tình nguyện viên ở xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) đang chạy xe giữa đường phải quay về. Thế mà gọi điện xin lỗi, anh rất vui vẻ, bảo không sao, bệnh nhân có người giúp là mừng rồi, lần khác lại gọi anh nhé…”.
Đang chuyện trò rôm rả thì điện thoại của Quỳnh đổ chuông, Quỳnh bắt máy xong, tỏ ra khá gấp gáp, quay sang tôi: “Lần sau nói tiếp nha chị, em phải tìm người giúp một ca ở bệnh viện ngay-bây-giờ…”.
NGỌC TÚ