Một “Ông già xứ Nẫu” chân thành
Ngay cả những người mới quen với ông cũng dễ dàng cảm nhận chất Nẫu nồng hậu và chân thành ở ông. Ở nơi ông vốn thông hiểu phong phú về đất và người Bình Ðịnh cứ chực chờ cơ hội để tuôn trào, bởi ông yêu quê hương Bình Ðịnh đắm đuối... Ông là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn An Pha.
Nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha đại diện lãnh đạo Hội VHNT nhận bằng khen về những thành tích xuất sắc của hoạt động Hội VHNT.
Yêu quê hương theo cách riêng
Tỉ mỉ và cặn kẽ, mỗi câu chuyện kể ra, nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha luôn trình bày có từng ngằn, trước sau rõ ràng. Có lần ông đề cập về võ cổ truyền Bình Định, bao nhân vật của giới võ thuật một thời được ông kể như đọc, những Hồ Ngạnh, Diệp Trường Phát, Hương mục Ngạc… Thế mạnh của từng người, những giai thoại đã đi vào ca dao dân gian ghi lại một thuở vàng son của thế cước đường quyền được ông tường minh thấu đáo. Như khi kể về Hồ Ngạnh, ông đặc biệt say sưa nói về cái cách mà Hồ Ngạnh dày công nghiên cứu, đúc kết để chế ra bài roi “Tam thâu tùy hình pháp”, với ba thế roi tuyệt chiêu là “roi rút, roi đổ thủy và roi điểm huyệt”. Ông phân tích: “Roi đổ thủy là roi khi giao đấu đầu roi hạ thấp, đốc roi lên cao, đối phương chỉ đối phó ở đầu rồi, bất ngờ dùng đốc roi đâm xéo, đòn này đã đâm là trúng”... Hoặc khi đề cập gốc tích câu nói “Trai An Thái, gái An Vinh”, Nguyễn An Pha lý giải: “Tám Cảng là con gái cưng của Hương mục Ngạc. Bà thách đấu với nhiều võ nhân trong vùng và chưa một lần thua. Thường những lễ hội đổ giàn An Thái, bà dám tranh tài ngang hàng với trai An Thái cướp được heo trên giàn và từ đó có câu: “Trai An Thái, gái An Vinh”.
Nguyễn An Pha sinh năm 1949, quê ở Tây Sơn. Hiện là Chủ tịch Hội VHNT Bình Ðịnh. Ông là hội viên Chi hội Sân khấu và Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội VHNT Bình Ðịnh; hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
Không riêng gì võ cổ truyền Bình Định, các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, những đa dạng làng nghề, phong tục tập quán bà con vùng biển hay của dân tộc thiểu số vùng cao, ông đều tích trữ một vốn kiến thức phong phú đáng nể.
Ngoài sự say mê tìm tòi, tình yêu chân thành với quê hương, khiến ông trân trọng từng chút một những giá trị văn hóa dân gian mà cha ông để lại. Không phân định tuổi tác, trình độ, ông sẵn sàng dốc hết những hiểu biết gom nhặt cả đời với người muốn nghe, muốn thấu. Cũng với thái độ như vậy, ông cũng sẵn sàng nghiêm túc ngồi nghe lớp hậu bối kiến giải một vấn đề nào đó mà ông quan tâm. Ông bảo: “Ông bà xưa đã đúc kết nhiều điều hay, có nhiều thứ qua thời gian vẫn nguyên giá trị. Hơn nữa, mỗi nghề, mỗi vùng, mỗi một dân tộc có cái nét riêng, cái độc đáo riêng, mình không nắm bắt, không lưu giữ, sợ rằng thời gian sẽ làm phai mờ đi, điều đó thực sự đáng tiếc. Mình quý cái xưa cũ nhưng cũng phải biết cách chắt lọc, cập nhật để đi cùng thời đại, có như vậy những giá trị tích lũy được mới bền sâu!”.
Giữ hồn văn hóa dân gian
Tâm huyết với những giá trị văn hóa đặc trưng xứ Nẫu, với sự thông tỏ của mình, Nguyễn An Pha là chủ nhiệm của nhiều dự án văn hóa phi vật thể như: Làng võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Định; Lễ hội đổ giàn An Thái; Lễ hội làng gốm Nhạn Sơn; Lễ hội làng chài Bình Thái…; chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn thập bát ban binh khí võ cổ truyền Bình Định”.
Đặc biệt, cuối năm 2019, ông in tập biên khảo Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP HCM). Gắn bó với bài chòi từ sớm, qua nhiều năm tích lũy, nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha tường tỏ về bài chòi dân gian, nhất là bài chòi dân gian Bình Định. Với công trình này, ông trình bày rõ ràng, khúc chiết và cặn kẽ từ những câu hô hát 27 con bài của Hội đánh Bài chòi, những riêng - chung thú vị của các loại hình: Bài chòi kể, Bài chòi lớp, Bài chòi độc diễn đến các nghệ nhân gắn chặt đời mình với bài chòi và những tuồng tích bài chòi được người mộ điệu yêu thích như Tam Hạ Nam Đường, Phạm Công - Cúc Hoa, Lang Châu - Lý Ân…
Với Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định, Nguyễn An Pha đưa người đọc chậm rãi làn theo dòng chảy lịch sử của bài chòi dân gian Bình Định, tái dựng lại những vùng không gian của nghệ thuật bài chòi. Cũng dễ hiểu thôi, 12 tuổi, ông đã theo học nghề các nghệ nhân bài chòi. Về sau, công việc của ông cũng gắn bó trực tiếp đến bài chòi. Năm 1975, ông học bổ túc rồi học đạo diễn ở Hà Nội với khóa đào tạo 4 năm (1977 - 1981). Từ năm 1982 - 1986, ông làm Trưởng đoàn Văn công (tức Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định sau này). Rồi Nguyễn An Pha nhận công tác tại Trường Văn hóa nghệ thuật Bình Định (1986 - 1989), rồi như cái duyên, ông tiếp tục về làm Trưởng đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định (1989 - 1994). Sau đó, ông được điều động về Sở VH-TT. Khi là Phó Giám đốc Sở hay lúc là Chủ tịch Hội VHNT Bình Định, ở bất cứ vị trí nào ông vẫn dành cho các giá trị văn hóa đặc trưng xứ Nẫu sự quan tâm đặc biệt.
Nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha là người có vai trò lớn cùng các nghệ nhân giúp Sở VH-TT&DL (sau này là Sở VH-TT) và Viện Văn hóa Nghệ thuật phục dựng Hội đánh Bài chòi dân gian Bình Định vào năm 2010. Hai năm sau, ông tiếp tục tham gia tổ chức lớp tập huấn phục dựng cho 7 huyện, thị trong tỉnh và dần dà mở rộng mô hình. Có thể nói bài chòi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại có phần đóng góp rất lớn của cá nhân ông.
Nhắc về ông, Nghệ nhân Nhân dân Minh Đức rất trân trọng: “Hiếm thấy ai có tâm và nhiệt tình với bài chòi dân gian như anh Ba Pha. Anh rất thương quý, trân trọng những nghệ nhân như chúng tôi, luôn tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ để các nghệ nhân hoạt động nghệ thuật và trang trải cuộc sống. Anh có một sự hiểu biết đáng nể không chỉ về bài chòi dân gian mà còn cả hát bội, bả trạo, ẩm thực, văn hóa Bình Định. Trò chuyện với anh như tiếp xúc với một cuốn từ điển sống vậy!”.
Lần nọ một nhóm văn nghệ sĩ, báo chí Bình Định nói về sức hiểu biết đa dạng, sâu sắc của Nguyễn An Pha. Ai cũng quý mến Nguyễn An Pha bởi ông nồng hậu và chân thành, luôn biết nghĩ cho người khác. Và như một kết luận, nhà thơ, kịch tác gia Văn Trọng Hùng “chốt hạ”: Đời này, ngay cả khi không còn có thể tin ai, vẫn có thể tin ở Nguyễn An Pha!
ÐÔNG A - NGÔ PHONG