Thao thức cùng robot
Năm 2020, lần đầu tiên, robot di động trở thành một nghề dự thi của Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia, và Bình Ðịnh đã thành lập đội thi để tham gia tranh tài. Chỉ hơn 10 ngày nữa, kỳ thi sẽ chính thức bắt đầu, cả đội tuyển nghề robot di dộng đang bước vào giai đoạn chạy nước rút.
Tại Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020 (diễn ra từ ngày 20 - 28.8), Bình Định có 7 nghề dự thi. Nếu 6 nghề còn lại đều là những nghề mang tính truyền thống, thì robot di dộng là nghề quá mới. Mới đến độ, trong năm đầu tiên trở thành nghề dự thi chính thức (các năm trước chỉ là nghề trình diễn), cả nước chỉ có 7 đơn vị dự thi.
Giảng viên Lương Thanh Long, kỹ sư Nguyễn Tuấn Anh và 2 sinh viên theo dõi robot vận hành trong một lần thi thử.
Đầu tư, tạo điều kiện tối đa
Ngay từ thời điểm đặt mục tiêu tranh tài ở nghề robot di động, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn - đơn vị có đội tuyển dự thi - đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ con người đến trang thiết bị và các yếu tố liên quan. Nhà trường đã kết nối với Công ty CP Tự động hóa Tân Phát (Hà Nội) - DN chuyên cung cấp các giải pháp liên quan đến tự động hóa, thiết bị công nghiệp, cũng là một trong những đơn vị có mối quan hệ hợp tác sâu sắc với nhà trường - để tìm kiếm sự hỗ trợ, đồng hành. Qua tổ chức tuyển chọn, Trường và DN đã chọn được 4 sinh viên đến từ các ngành: Hàn, công nghệ thông tin, điện tử công nghiệp.
Nhà trường cũng chọn giáo viên hướng dẫn đội tuyển là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực robot. Trong đó, giảng viên Lương Thanh Long (khoa Điện tử - Tin học) từng là thành viên đội tuyển Robocon Trường ĐH Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai), có nhiều cơ hội tranh tài và đạt giải tại Kỳ thi Robocon quốc gia. Ở phía DN, Công ty CP Tự động hóa Tân Phát cũng cử kỹ sư hỗ trợ đội tuyển.
Cả thầy và trò đã có 3 tuần ôn luyện và học hỏi tại Công ty CP Tự động hóa Tân Phát. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động ôn luyện sau đó diễn ra tại trường và tiếp tục có sự hỗ trợ trực tuyến của đại diện công ty. Trong tháng 7, ở thời điểm nước rút, kỹ sư của Công ty CP Tự động hóa Tân Phát đã có mặt tại trường và hỗ trợ đội tuyển trong 2 tuần.
Hiện tại, đội tuyển dự thi nghề robot di động chỉ còn 2 thành viên chính thức. Robot đã “nên vóc nên hình” bởi bàn tay của các sinh viên. Sân trình diễn robot đã hoàn tất lắp ráp, đang hoạt động hết công suất để các sinh viên luyện tập.
Nỗ lực để khẳng định mình
Những ngày này, Trần Văn Tây (sinh viên năm 1 ngành Công nghệ thông tin) và Lê Quang Trường (sinh viên năm 1 ngành Cơ khí) - hai thí sinh của nghề robot di động - bám trụ tại phòng học, trăn trở với robot. Quang Trường khẳng định, đây là cơ hội lớn để em học được rất nhiều về lập trình robot - điều mà em sẽ khó có cơ hội tiếp cận khi là một sinh viên ngành Cơ khí.
Văn Tây thì chia sẻ: “Tụi em những ngày này, tâm trí chỉ dành cho robot. Việc lắp ráp, vận hành robot ngày hôm sau luôn tốt hơn ngày hôm trước. Tuy nhiên, hôm sau, cũng sẽ xuất hiện những lỗi mới so với ngày hôm trước. Việc của tụi em là phải nhanh chóng khắc phục lỗi đó để đảm bảo vận hành theo yêu cầu”.
Từ giữa tháng 7 đến nay, hai sinh viên đã trải qua 3 đợt thi thử. Kỹ sư Nguyễn Tuấn Anh (Công ty CP Tự động hóa Tân Phát), cho biết: “Trong các buổi thi thử, chúng tôi rút ngắn thời gian thi (chỉ còn 5 giờ so với yêu cầu đề thi là 8 giờ) nhằm tạo áp lực, để các em thật sự đặt mình vào kỳ thi bởi trong thực tế, Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia là một sân chơi đầy áp lực, nhiều thử thách”.
Nói về ý nghĩa của việc tham gia Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm nay với nghề robot di động, ông Trần Hiếu Nghĩa, Trưởng khoa Điện tử - Tin học (Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn), bày tỏ: “Là một trong số ít các đơn vị tham gia tranh tài trong nghề robot di động, chúng tôi tin là vị trí của trường trong hệ thống đào tạo giáo dục nghề nghiệp sẽ được nâng lên một bậc. Qua đó, chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp về việc trường nghề cũng sẵn sàng cung ứng nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng nhu cầu của DN trong cuộc cách mạng 4.0”.
NGUYỄN MUỘI