Chăm lo an sinh, giảm nghèo bền vững
Một trong những kết quả quan trọng trong phát triển KT-XH của huyện Phù Cát giai đoạn 2015 - 2020 là đã làm tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Cụ thể, toàn huyện đã tổ chức dạy nghề cho 1.338 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50%. Đồng thời, huyện quan tâm chăm lo, giúp đỡ, động viên, tạo mọi điều kiện để người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,65%/năm (nghị quyết giảm từ 1,5% trở lên), đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,3%.
Điển hình, năm 2019, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND huyện đã giao Phòng LĐ-TB&XH, Phòng NN&PTNT tổ chức 9 lớp dạy các nghề: Nuôi và phòng trị bệnh cho gà, trồng rau an toàn, trồng và nhân giống nấm, kỹ thuật chế biến món ăn, may thời trang, điện dân dụng.
Ông Hồ Mộng Điệp trao đổi thông tin về tình hình làm việc của các con tại Nhật Bản với công chức Văn hóa - Xã hội của UBND thị trấn Ngô Mây.
Các lớp dạy nghề thực hiện theo nhu cầu xã hội, nên số lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo đạt tỷ lệ 85,7%. “Lao động nông thôn sau khi học nghề chủ yếu tự tạo việc làm, vận dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế gia đình. Thực tế cho thấy, một số học viên là chủ hộ nghèo, hộ cận nghèo sau khi được học nghề đã áp dụng kiến thức vào sản xuất, từng bước thoát nghèo, thoát cận nghèo”, Trưởng phòng LĐ-TB&XH Nguyễn Hữu Nam cho hay.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện cũng có những chuyển động tích cực. Trong năm 2019, có 37 lao động của huyện Phù Cát đi làm việc có thời hạn ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc..., đạt 123% so với kế hoạch đề ra.
Như gia đình ông Hồ Mộng Điệp (ở khu phố An Khương, thị trấn Ngô Mây) có con gái và con rể cùng xuất khẩu lao động tại Nhật Bản; con gái làm nghề chế biến hải sản, bình quân thu nhập 25 triệu đồng/tháng, con rể làm nghề cơ khí, thu nhập 30 triệu đồng/tháng.
Theo chị Võ Thị Kim Loan, công chức Văn hóa - Xã hội của UBND thị trấn Ngô Mây, hoạt động xuất khẩu lao động nhiều năm trước gặp muôn vàn khó khăn, bởi từng có “sự cố” khiến người dân e ngại. Để có được kết quả như hôm nay, bên cạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, các ngành chức năng đã tích cực hỗ trợ người dân xuyên suốt quá trình thực hiện. Từ đó, từng bước tạo niềm tin, khuyến khích nhiều người tham gia xuất khẩu lao động, nâng cao thu nhập.
MAI LÂM