Gìn giữ và phát huy truyền thống
Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phù Cát đã tích cực tham mưu triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, truyền thống cách mạng của huyện và các xã, thị trấn. Đến nay, huyện đã xuất bản tập Lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1975 - 2015, Truyền thống Công đoàn huyện giai đoạn 1930 - 2010. Dự kiến cuối năm 2020, huyện sẽ xuất bản Lịch sử LLVT nhân dân huyện giai đoạn 1975 - 2015, và có 17/18 xã, thị trấn xuất bản tập tài liệu truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phù Cát xem lại các tập lịch sử Đảng bộ huyện và các địa phương đã được xuất bản.
Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phù Cát, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ tại địa phương đạt được nhiều kết quả khả quan. Các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác này, xem đây là một nhiệm vụ quan trọng trong chương trình công tác hằng năm của đơn vị, địa phương. Đa số những người làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương đã chịu khó nghiên cứu, thu thập tư liệu từ các văn bản đang lưu giữ tại chỗ, cũng như tham khảo ý kiến từ các cán bộ qua các thời kỳ.
Nhờ vậy, các ấn phẩm được triển khai đúng quy trình khoa học, phản ánh được quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành của từng đảng bộ và phong trào cách mạng của địa phương dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Quá trình tổ chức biên soạn đã thu hút nhiều cán bộ lão thành cách mạng, các nhân chứng lịch sử qua các thời kỳ tham gia góp ý. Người viết cũng sâu sát với các địa phương để tiếp cận nhân chứng, xây dựng đề cương, nghiên cứu tư liệu, tổ chức nhiều cuộc hội thảo để lấy ý kiến góp ý. Cùng với đó là tinh thần trách nhiệm cao của Hội đồng thẩm định huyện và sự quan tâm của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đã góp phần giúp các ấn phẩm xuất bản có độ tin cậy cao, phản ảnh đúng, khách quan bối cảnh lịch sử của từng địa phương.
Ông Nguyễn Hà Trung - công tác tại Huyện ủy Phù Cát, là tác giả tham gia sưu tầm tư liệu, biên soạn, xuất bản nhiều tập sách truyền thống đấu tranh cách mạng của các đảng bộ xã, thị trấn - cho hay, bản thân cảm thấy rất thích thú khi được làm công việc này. Qua việc đi điền dã, tìm tư liệu, gặp nhân chứng sống về các dấu mốc lịch sử cách mạng của từng địa phương đã giúp ông có thêm nhiều hiểu biết về quá trình đấu tranh giữ nước hào hùng, kiên trung của ông cha ta.
“Việc tham gia sưu tầm, biên soạn lịch sử đảng bộ các địa phương đã giúp tôi rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc vận dụng đường lối, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào công việc hằng ngày. Đồng thời, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong giai đoạn hiện nay”, ông Nguyễn Hà Trung chia sẻ.
NGUYỄN QUÝ