Phòng bệnh viêm gan A
Viêm gan A là loại bệnh truyền nhiễm phổ biến trên thế giới, chủ yếu lây qua đường ăn uống, ngoài ra bệnh còn lây qua đường quan hệ tình dục không an toàn với người có vi rút, truyền máu của người bị nhiễm bệnh.
Bác sĩ Bành Quang Khải (BVĐK TP Quy Nhơn) cho biết: Vi rút viêm gan A khi vào cơ thể sẽ sinh sôi nảy nở nhanh chóng trong các tế bào gan, theo ống dẫn mật vào đường ruột và theo phân ra ngoài. Nếu chúng ta xử lý phân không tốt, không đúng cách thì nguy cơ lây nhiễm rất cao. Khi bị viêm gan A, người bệnh có thể không có triệu trứng gì và bệnh tự khỏi. Khi có triệu chứng, người bệnh thường mệt mỏi toàn thân, đau cơ, ngứa, da vàng, mắt vàng, nôn hoặc buồn nôn, đau bụng hoặc khó chịu nhiều ở vùng gan, ở bụng phía bên phải dưới xương sườn, chán ăn hoặc ăn không ngon miệng, nước tiểu sậm màu, phân bạc màu và lỏng hơn bình thường. Bệnh có thể kéo dài vài tuần cho đến 6 tháng...
Biến chứng của bệnh viêm gan A không nguy hiểm như viêm gan B, nhưng tác động xấu đến sức khỏe của con người. Trẻ em từ 1 tuổi trở lên và người lớn nên tiêm 2 liều vắc xin phòng bệnh viêm gan A cách nhau ít nhất 6 tháng. “Cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; không sử dụng chung đồ dùng cá nhân như bát, đũa, bàn chải đánh răng, khăn mặt ...; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Bên cạnh đó, xử lý phân đúng cách và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi cầu bừa bãi ra ngoài môi trường”, bác sĩ Khải lưu ý.
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)