Tập trung phòng, chống các bệnh truyền nhiễm
Những tuần gần đây, số trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng trên địa bàn tỉnh tăng cao. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến đầu tháng 8.2020, hơn 3.000 ca bệnh sốt xuất huyết được ghi nhận ở 11/11 huyện, thị xã, thành phố; 193 ổ dịch đã được xử lý .
Sốt xuất huyết trái quy luật, bệnh tay chân miệng tăng cao
Ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) cho hay, diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết không theo quy luật của những năm trước đây, số ca mắc tăng trở lại sớm ngay từ tháng 5 trong điều kiện nắng nóng, khô hạn. Từ tháng 5 đến nay, số ca mắc trong tháng vượt cùng kỳ năm 2019. Ngoài những “điểm nóng” TX Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn, nhiều địa bàn có chỉ số bọ gậy ở mức cao trên ngưỡng an toàn như huyện Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh.
Trẻ mắc sốt xuất huyết nặng cấp cứu tại khoa Nhi (BVĐK tỉnh).
Chị Lê Thị Thanh (TP Quy Nhơn) đang chăm con trai Nguyễn Thành T. (2 tuổi) mắc sốt xuất huyết tại BVĐK tỉnh cho biết, bé nhập viện ngày 1.8 trong tình trạng sốt cao 390C, mệt mỏi, biếng ăn. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán bé mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo. Sau 1 tuần điều trị, bé đã hết sốt, sức khỏe ổn định. “Thấy bé sốt cao, gia đình đưa vào bệnh viện điều trị kịp thời, nếu để bệnh chuyển nặng thì rất nguy hiểm!”, chị Thanh chia sẻ.
Theo Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Võ Bảo Dũng, 6 tháng đầu năm, bệnh viện thu dung điều trị 1.835 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó riêng trẻ em chiếm đến 874 trường hợp. Đáng nói, trong số này, có 382 trường hợp sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo nặng, 23 trường hợp sốt xuất huyết nặng, có tới 82 ca có sốc. Trong điều kiện chống dịch Covid-19, BVĐK tỉnh bố trí tại khoa Nhi có 20 giường bệnh sàng lọc, khoa Nội tiết 10 giường, Nội Tổng hợp 5 giường, Nội tiêu hóa 5 giường bệnh.
Còn bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh) cho hay, số trẻ mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại khoa tăng hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019. Bệnh tay chân miệng cũng gia tăng. Theo CDC, đến đầu tháng 8.2020, ghi nhận khoảng 400 ca mắc bệnh tay chân miệng trong tỉnh, phát hiện và xử lý 1 ổ dịch tại TP Quy Nhơn, tăng 2 lần cùng kỳ năm 2019; hiện số mắc vẫn cao, dao động hơn 50 ca/tuần.
Quyết liệt phòng bệnh truyền nhiễm
Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Riêng với những loại bệnh đã có vắc xin phòng bệnh như sởi, bạch hầu, nên thực hiện tiêm chủng đầy đủ, không để dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng.
Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi các loại vắc xin phòng bệnh.
Theo ông Bùi Ngọc Lân, đến đầu tháng 8, Bình Định chưa ghi nhận ca bệnh sởi và bạch hầu trên địa bàn. Ngành y tế đã giám sát 8 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, 1 trường hợp nghi bạch hầu; kết quả xét nghiệm đều âm tính. “Với tình hình dịch bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên, nguy cơ xâm nhập vào Bình Định rất cao. Công tác tiêm chủng mở rộng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên làm tăng nguy cơ xuất hiện các bệnh thuộc diện tiêm chủng mở rộng. Trong khi đó, với số mắc ở mức cao, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng trên địa bàn tỉnh sẽ rất phức tạp trong thời gian đến”, ông Lân phân tích.
“Bình Ðịnh có mức độ giao lưu khá lớn với những địa phương có ca bệnh bạch hầu ở vùng Tây Nguyên, nên không thể chủ quan. Các cơ sở có trách nhiệm thực hiện tốt việc sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị. Trường hợp bệnh nặng, biến chứng thì kịp thời xử trí, thường xuyên hội chẩn xin ý kiến tuyến trên để đảm bảo điều trị tốt nhất cho bệnh nhân”.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho biết, bên cạnh việc dồn sức chống dịch Covid-19, Sở cũng đồng thời yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan rộng, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Căn cứ vào tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh, các địa phương triển khai chiến dịch diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại 24 xã trọng điểm và các điểm nguy cơ. Tiếp tục triển khai chiến dịch diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi đợt 2 vào đầu mùa mưa và đợt 3 vào giữa mùa mưa. Rà soát đối tượng tiêm chủng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi các loại vắc xin. Triển khai kế hoạch chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi, tiêm bổ sung vắc xin Td và IPV cho trẻ trong diện tiêm chủng theo kế hoạch.
Các địa phương cũng tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện; củng cố đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Tuyên truyền người dân thực hiện ăn sạch, uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch…
MAI HOÀNG