Bãi bỏ các quy định đã lạc hậu để giảm bớt thủ tục hành chính cho người dân
Sáng 10.8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 47, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
Về vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan đến thời điểm có hiệu lực của Luật Cư trú (sửa đổi), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, nếu đầu tư đúng hướng, giao trách nhiệm rõ cho Bộ Công an và quy định các văn bản pháp luật liên quan đến nâng cấp, sử dụng, quản lý khoa học cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì có thể đưa Luật vào thực hiện từ ngày 1.7.2021.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm, quy định chuyển tiếp đến ngày 31.12.2025 thì quá dài, nhưng từ ngày 1.7.2021 bỏ ngay sổ hộ khẩu, sổ tạm trú được quy định trong dự thảo Luật thì trong quá trình triển khai các thủ tục hành chính sẽ gặp những vướng mắc, trục trặc.
“Quan điểm của tôi về vấn đề này là vẫn nên có thời gian quy định chuyển tiếp. Đồng thời, cần công khai, minh bạch, cải tiến các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân”, ông Vũ Hồng Thanh nói.
Toàn cảnh phiên họp.
Cho ý kiến về dự thảo Luật, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh Bộ Công an đã mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính. Đặt vấn đề thế giới chỉ cần sử dụng mã số định danh cá nhân, thẻ căn cước công dân để thực hiện các thủ tục hành chính; quyền tự do cư trú, tự do đi lại đã được Hiến pháp quy định, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những quy định về cư trú đã được đặt ra quá lâu và cần thiết phải gỡ bỏ.
“Các quy định, thủ tục có liên quan đến sổ hộ khẩu đã lạc hậu thì cần được bỏ, giảm bớt thủ tục cho người dân”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Với việc dự thảo Luật quy định giao cho HĐND các địa phương ban hành các điều kiện quy định về đăng ký thường trú, Chủ tịch Quốc hội lo ngại việc mỗi nơi quy định một kiểu, ảnh hưởng đến tính thống nhất của Luật. Do đó, cần cân nhắc việc quy định nguyên tắc để áp dụng chung cho các địa phương.
Phát biểu làm rõ một số vấn đề về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị giữ nguyên một số nội dung, như thời điểm có hiệu lực của Luật là từ ngày 1.7.2021 và không cần quy định chuyển tiếp đến 31.12.2025; giữ nguyên các điều kiện đăng ký thường trú…
Về việc xóa đăng ký thường trú và tạm trú, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, việc xóa đăng ký không phải là xóa dữ liệu dân cư của công dân, dữ liệu này vẫn được lưu trữ và khai thác phục vụ quản lý dân cư.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng thông tin, qua thống kê của Bộ Công an, hiện nay, trên cả nước, số nhân khẩu vắng mặt tại nơi thường trú là khoảng 3,4 triệu người, trong đó số nhân khẩu vắng mặt 12 tháng liên tục chỉ khoảng vài trăm nghìn người, do đó, quy định việc xóa đăng ký thường trú và tạm trú nhân khẩu vắng mặt 12 tháng liên tục không có tác động lớn.
Trước ý kiến lo ngại việc bỏ các quy định về thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ gây ra những vấn đề về xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện nhiều thành phố như Đà Nẵng, Cần Thơ vẫn chưa đạt được tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương là phải có 1,5 triệu dân cư, đồng thời đến năm 2020, cả nước vẫn chưa đạt được quy mô 45% dân số ở đô thị. Trong quá trình thực hiện, Bộ Công an sẽ tiếp tục cải tiến, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và tránh chồng chéo với các văn bản pháp luật khác.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ tiếp thu những ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ mười.
Theo Mai Hữu (HNMO)