Doanh nghiệp dệt may ngày càng gặp khó do Covid-19
Báo cáo tài chính quý 2 do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa công bố cho thấy, doanh thu thuần của Tập đoàn đạt 3.082 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ 2019; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 120,1 tỷ đồng, giảm 22%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 7.046 tỷ đồng, giảm 24,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 276 tỷ đồng, giảm 20,7%. Riêng tháng 4, Tập đoàn hầu như không có doanh thu do ảnh hưởng của lệnh giãn cách xã hội.
Một số đơn vị thành viên lớn của Tập đoàn như: Tổng CTCP May Việt Tiến, CTCP Sợi Phú Bài đều suy giảm lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm. Không chỉ các doanh nghiệp dệt may, đến thời điểm này, các công ty sợi đều đồng loạt báo lỗ.
Doanh nghiệp dệt may ngày càng gặp khó do Covid-19. (Ảnh minh họa)
Do chịu tác động chung từ dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty May 10 cũng bị ảnh hưởng mạnh trong mảng sản phẩm truyền thống. Ước tính, doanh thu các mặt hàng may mặc truyền thống của đơn vị này chỉ đạt khoảng 70% so với cùng kỳ; Sản lượng thấp hơn khoảng 2 triệu sản phẩm so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm khoảng 27%.
Với Tổng công ty May Hưng Yên, hiện nay, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III và đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng cho quý IV nhằm duy trì sản xuất và doanh thu.
Dự báo những tháng cuối năm 2020, doanh nghiệp dệt may sẽ gặp khó khăn hơn khi việc sản xuất khẩu trang và bộ bảo hộ y tế đã trở nên bão hòa, nhu cầu thị trường giảm; lượng đơn hàng may mặc truyền thống chưa được phục hồi.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, nếu đến cuối năm nay, thế giới chưa kiểm soát được đại dịch, nhu cầu may mặc toàn cầu sẽ giảm sâu vào cuối năm 2021 và ảnh hưởng vẫn còn kéo sang năm 2022. Ðại dịch chắc chắn sẽ tiếp tục là thách thức trong vòng 2 năm tới với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Theo Thủy Chung (VOV.VN)