CHÀO MỪNG ÐẠI HỘI ÐẠI BIỂU ÐẢNG BỘ HUYỆN TUY PHƯỚC LẦN THỨ XXII, NHIỆM KỲ 2020 - 2025
Phát triển kinh tế bền vững
Ngày mới ở Tuy Phước bắt đầu bằng ánh nắng vàng trải đều trên những cánh đồng mẫu lớn, những vườn hoa trái đa sắc; trên từng khu dân cư đang “thay da đổi thịt” bởi những công trình khang trang, vững chắc và trên cả những nhà xưởng quy mô, hiện đại...
CCN Phước An được xem là “đòn bẩy” góp phần phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại các xã phía Tây huyện nói riêng và toàn Tuy Phước nói chung.
- Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Đồ gỗ Nghĩa Tín. Ảnh: NGUYỄN MUỘI
Nông nghiệp gắn với nông thôn mới
Phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, hiệu quả và bền vững góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong những khâu đột phá của huyện Tuy Phước trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Để hiện thực hóa nhiệm vụ chiến lược này, huyện thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ổn định diện tích sản xuất lúa đã chuyển đổi từ 3 vụ sang 2 vụ/năm; triển khai và thực hiện thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 2.400 ha/năm và cánh đồng lớn tập trung ở 4 xã (Phước Hưng, Phước Quang, Phước Lộc và Phước Sơn) với diện tích 840 ha/năm. Năng suất lúa đạt bình quân 70,2 tạ/ha/năm, hiệu quả kinh tế cao hơn 4 - 6 triệu đồng/ha.
Làng nghề trồng hoa Bình Lâm (xã Phước Hòa) được hỗ trợ chuyển giao tiến bộ KHKT, đa dạng hóa chủng loại hoa cảnh theo hướng quy hoạch phát triển làng hoa gắn với quy hoạch nông thôn mới, phục vụ phát triển du lịch. Ông Nguyễn Ngọc Tùng, 60 tuổi, chủ hộ trồng hoa lâu năm của làng, so sánh: “Ngày trước, cả làng chỉ trồng hoa cúc vàng tiêu thụ vào dịp tết Nguyên đán. 3 năm trở lại đây, hoa, cây kiểng đa dạng hơn nhiều, trong đó có nhiều loại hoa hồi giờ xứ mình ít trồng như: Đồng tiền, dạ yên thảo, phú quý, hải đường, cát tường, dâu tây... Nhà tôi nhờ vậy mà có nguồn thu nhập quanh năm từ hoa, cây kiểng. Để nhân rộng các giống cây, hoa mới tại vườn nhà với diện tích 3.000m2, gia đình tôi đã được Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh đưa đi học tập tại làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp)”.
Bên cạnh đó, chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng đã đạt những kết quả hết sức ấn tượng khi đến năm 2020, có 11/11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và Tuy Phước chính thức trở thành huyện nông thôn mới. Đáng nói, trên hành trình “về đích”, huyện đã huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của toàn thể nhân dân, thôi thúc các cấp, các ngành và nhân dân chuyển hóa nhận thức từ nghĩa vụ, trách nhiệm sang khát vọng chung, nhu cầu thiết thực của từng hộ dân.
Nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp
Thực hiện Kế hoạch “Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”, huyện Tuy Phước đã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi các DN đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 2.188 DN, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 7.200 lao động.
Cụm công nghiệp (CCN) Phước An - “đòn bẩy” góp phần phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại các xã phía Tây huyện nói riêng và toàn Tuy Phước nói chung - hiện đã có 21 DN, cơ sở sản xuất đang hoạt động, lấp đầy diện tích 49,5ha, giải quyết việc làm trên 1.800 lao động. Đây cũng là nơi tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp chiếm gần 30% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện. Đề cao yếu tố bảo vệ môi trường, huyện đã đầu tư xây dựng và vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải tập trung tại CCN Phước An với công suất thiết kế 200 m3/ngày đêm.
Công ty TNHH Đồ gỗ Nghĩa Tín và Công ty TNHH Đồ gỗ Nghĩa Phát - hai DN chung một chủ DN, đóng chân tại CCN Phước An - hiện đang góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 400 công nhân. Ông Trần Văn Tuấn, Phó Giám đốc hai DN, nói: “Góp phần vào sự phát triển chung của địa phương thời gian qua, DN đã nỗ lực ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế. Năm 2020, cũng như nhiều DN khác, chúng tôi gặp khó khăn về thị trường. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, tổng trị giá các đơn hàng đến thời điểm hiện tại là 8 triệu USD, vượt 500 nghìn USD so với năm 2019”.
Nhằm tiếp tục thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động, huyện Tuy Phước đã đề nghị UBND tỉnh bổ sung Điểm sản xuất Bình An (xã Phước Thành) vào quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
NGUYỄN MUỘI