Làm rõ tiêu chuẩn xác nhận người có công trong chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc
Đáng lưu ý, dự thảo kế thừa 12 đối tượng người có công với cách mạng của Pháp lệnh hiện hành và làm rõ hơn điều kiện tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng đối với: công dân Việt Nam đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, có công với cách mạng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam (chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, trong xây dựng đất nước)...
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Sáng 11.8, tiếp tục phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo về dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi.
Theo đó, dự thảo Pháp lệnh cơ bản giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như Pháp lệnh hiện hành với 3 đối tượng áp dụng: người có công với cách mạng; thân nhân người có công với cách mạng; cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.
Đáng lưu ý, dự thảo kế thừa 12 đối tượng người có công với cách mạng của Pháp lệnh hiện hành và làm rõ hơn điều kiện tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng đối với: công dân Việt Nam đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, có công với cách mạng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam (chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, trong xây dựng đất nước); người Việt Nam có công với cách mạng đang thường trú hoặc tạm trú nước ngoài; bổ sung vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá đủ điều kiện và đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định của Nghị định hiện hành.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, các quy định chế độ ưu đãi với người có công với cách mạng và thân nhân trong Pháp lệnh đã được rà soát, sửa đổi theo nguyên tắc chế độ ưu đãi người có công với cách mạng là sự tri ân những người có công với cách mạng, với đất nước nên phải tương xứng, cao hơn các chế độ bảo trợ xã hội khác. Chế độ ưu đãi phải xứng đáng với công lao, cống hiến theo từng diện đối tượng, không cào bằng; kế thừa các chế độ trợ cấp, phụ cấp, ưu đãi hiện hành mà người có công đang hưởng và bổ sung các ưu đãi mới như: trợ cấp tuất định suất các liệt sĩ; trợ cấp hằng tháng đối với người làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù đày sau năm 1975; trợ cấp hàng tháng và bảo hiểm y tế đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá; trợ cấp một lần đối với thân nhân người có công giúp đỡ cách mạng đã chết mà chưa hưởng chế độ.
Trong số những vấn đề cụ thể Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đáng lưu ý là chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học.
Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chưa bổ sung quy định chế độ ưu đãi đối với thế hệ 3 trong dự thảo Pháp lệnh mà tiếp tục thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với tất cả các cháu bị dị dạng, dị tật. Không chỉ làm tăng ngân sách chi hàng năm khoảng gần 600 tỷ/năm, mà theo ý kiến của cơ quan chuyên môn, hiện chưa đủ cơ sở khoa học xây dựng danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất động hóa học. Thực tiễn triển khai thực hiện chính sách ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học (thế hệ 1, thế hệ 2) cũng còn nhiều bất cập, vướng mắc.
Mặt khác, khi bổ sung chính sách ưu đãi cho thế hệ thứ 3 người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, sẽ đặt ra tiếp tục phải nghiên cứu bổ sung một số nhóm đối tượng khác và không lường được hết những phát sinh, diễn biến mới…
Theo ANH PHƯƠNG (SGGP)